Việc lần đầu tiên các định chế tài chính nước ngoài đề nghị đánh thuế tiền gửi như một điều kiện để đổi lấy khoản cứu trợ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng trước tình hình nợ công của Síp. Trong 3 năm qua, Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha chỉ phải đáp ứng điều kiện thắt chặt ngân sách để nhận các khoản cứu trợ cao gấp nhiều lần của đảo quốc này. Vì thế không ngạc nhiên khi người dân đổ xô đi rút tiền, khiến các cây ATM bị quá tải và các ngân hàng lâm vào tình cảnh khan tiền mặt. Đồng Euro đã giảm sâu so với các ngoại tệ khác và tình trạng trượt giá chỉ được chặn lại khi ECB cam kết sẽ cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng Síp với những giới hạn nhất định.
Dù diễn biến trong vài ngày qua chưa phải là dấu chấm hết với gói cứu trợ dành cho Síp nhưng khả năng đảo quốc này sẽ vỡ nợ đã khiến các nhà đầu tư cảm thấy hoang mang và rời bỏ thị trường. Kịch bản xấu này đặt cả các lãnh đạo châu Âu lẫn Cộng hòa Síp vào thế tiến thoái lưỡng nan khi phải tìm ra một giải pháp để vừa trấn an thị trường vừa giúp tái cân bằng ngân sách của Síp. Nhiều khả năng, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades sẽ tìm cách thỏa hiệp với Quốc hội hoặc EU sẽ đưa ra một thỏa thuận vào phút chót như những lần đàm phán cứu trợ trước với Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha... để giữ Síp ở lại với liên minh tiền tệ này.