Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiến tới nền kinh tế các-bon thấp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Tiến tới nền kinh tế các-bon thấp - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Giai đoạn 2011 - 2020, nhiệm vụ Chiến lược đề ra là giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10 - 20% so với phương án phát triển bình thường.

Đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5% - 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 - 30% so với phương án phát triển bình thường.

Xanh hóa sản xuất

Chiến lược cũng hướng đến xanh hóa sản xuất. Cụ thể, thực hiện một chiến lược "công nghiệp hóa sạch" thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.

Đến 2020, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP.

Xanh hóa lối sống

Nhằm xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, Chiến lược đặt nhiệm vụ kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Thực hiện đô thị hóa nhanh, bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu.

Đến năm 2020, 60% đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định, với đô thị loại IV, loại V và các làng nghề là 40%; 100% khu vực bị ô nhiễm nặng được cải thiện môi trường; tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh phấn đấu đạt 50%.