Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề xuất là sau khi hết dịch Bộ Công Thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổng hợp vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Như thế biểu giá bán lẻ điện theo Quyết định số 28 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được kéo dài thêm thời gian.
Phải nói giai đoạn này, Bộ Công Thương đang tất bật bao việc sau giãn cách xã hội. Dân chúng vui mừng khi thấy giá thịt lợn trên tivi đã có chiều hướng giảm và nghe nói tiếp tục giảm. Nhưng đúng thị trường oái oăm thật, khi cả xã hội gần như ngồi nhà, xe cộ đắp chiếu thì giá xăng lại giảm, tiền điện lại tăng chóng mặt.
Lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc mấy tháng quý I năm nay tăng tới 8,55%, trong đó, Hà Nội tăng 17% và TP Hồ Chí Minh tăng 13%. Theo lý giải của điện lực thì nguyên nhân là do “Nàng Bân” xuất hiện khiến dân dùng nước nóng, điều hòa cũng như việc học sinh nghỉ học dài ngày khiến cho gia đình nào cũng phải trả tăng 40%. Không biết trong 23 hộ dùng điện có bao nhiêu học trò bị các ông bố, bà mẹ lôi cổ các cậu quý tử ra mắng vì tội dùng điện kiểu “phá gia chi tử”?
Nháo nhác mãi, không tìm ra được đâu là nguyên nhân chính của việc “cháy túi” do tiền điện, người dân đành chờ biểu giá mới do Bộ Công Thương điều chỉnh. Việc tính tiền điện theo Biểu giá điện 1 bậc có ưu điểm rõ ràng, đơn giản, giúp khách hàng dễ theo dõi nhưng không được Bộ Công Thương lựa chọn bởi theo Cục trưởng Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn, việc chia nhiều bậc để người sử dụng nhiều phải trả giá điện cao hơn, khuyến khích người dân tiết kiệm điện bởi đây là loại hàng hóa đặc biệt.
Thôi thì cứ nghe ông Cục trưởng phân bua vậy, nhưng việc Bộ Công Thương lại lấy hộ gia đình để làm đơn vị tính tiền điện, không đếm xỉa đến số lượng người dùng trong gia đình thì chả biết vì sao Bộ lại lờ đi. Rõ ràng nhu cầu của hộ độc thân và gia đình 6 người hoặc nhiều hơn khác nhau, sao biểu giá lại đánh đồng như hiện nay, liệu như thế là khuyến khích tiết kiệm điện chăng?
Tính đến hết ngày 26/3/2020, Bộ Công Thương đã nhận được 130/154 ý kiến góp ý của các bộ ngành, Ủy ban của Quốc hội, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP và các tổ chức, hiệp hội. Chỉ còn tập hợp độ 30 phút làm cái báo cáo nhưng Bộ Công Thương đề nghị “hết dịch” mới làm được.
Bởi như ông Cục trưởng Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn, nếu việc giảm từ 6 bậc như hiện nay xuống còn 5 bậc cũng hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao khi mùa Hè đang đến gần. Nhưng chờ đến cái thời điểm “hết dịch Covid” của Bộ Công Thương chả khác gì đợi Tết Công-gô. Đến giờ thì các nhà khoa học quốc tế cũng chả thể khẳng định bao giờ “hết dịch Covid” nên cái thời điểm mà Bộ Công Thương xin khất có thể là 2 - 3 tháng hoặc lâu hơn nữa, người dân chỉ biết kiên nhẫn ngồi chờ.
Bao giờ hết dịch Covid, để có biểu điện mới, chỉ có... virus Corona mới có thể trả lời!