Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Câu chuyện vỉa hè cuối năm

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây theo dõi báo chí, nghị trường Việt Nam đang nóng lên khi bàn về kinh tế văn xã, đó là cụm từ nói tắt của vấn đề phát triển kinh doanh các mảng văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục và thể thao. Mặc dù Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã có nghị quyết dành 1,8% tổng chi ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này, nhưng làm thế nào để đạt hiệu quả là cả một vấn đề.

 Ảnh minh họa
Bà Hài Tươi vốn am hiểu giáo dục cho biết: “Usnews.com vừa công bố danh sách các đại học hàng đầu thế giới năm 2020. Việt Nam có 4 trường lọt Top danh sách này, trong đó có trường số 1 Việt Nam Đại học Tôn Đức Thắng cũng chỉ mới đứng thứ 623 thế giới. Nên dù các báo cáo có đánh giá sự tiến bộ của giáo dục thì hàng năm cũng có khoảng 3 tỷ USD ra khỏi biên giới theo chân học sinh, sinh viên đi du học. Đó là sự thật không thể chối cãi”.
Ông giáo gật gù và cho biết: “Y tế cũng thế, chỉ 2 lĩnh vực khám và điều trị bệnh và làm đẹp, mỗi năm có 40.000 người mua vé máy bay lên đường đến các cơ sở y tế nước ngoài, tiêu tốn 1 con số không nhỏ, trên 2 tỷ USD”.

- Ôi chỉ nội giáo dục và y tế cũng đã khiến chúng ta tiêu tốn 5 tỷ USD/năm, trong bối cảnh hàng năm chúng ta vẫn công bố Việt Nam có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ và thành tích trong giáo dục lẫn y tế. Thành tích thi học sinh giỏi của Việt Nam cũng tốt lắm kia mà, với ngành y thì từ điều trị hiếm muộn, sửa cằm, nha khoa, thẩm mỹ đến phẫu thuật, nội soi, ung bướu, ghép tạng tại Việt Nam đều được ca ngợi, thế mà người dân vẫn hướng ngoại nhỉ? Ông chủ tịch hội người cao tuổi boăn khoăn.

- Không biết rồi những lùm xùm gần đây tại Đại học Tôn Đức Thắng có ảnh hưởng đến lộ trình đến 2023 trường này lọt vào TOP 500 các trường đại học trên thế giới không? Nếu điều đó không được thực hiện thì quả là đáng tiếc, bởi nhu cầu được học tập trong các trường đại học hàng đấu thế giới của các em sinh viên Việt Nam là điều có thật và ngày càng tăng khi kinh tế đất nước phát triển. Bà Hài Tươi khẳng định.

Ông trưởng thôn thông báo: “Năm ngoái, có gần 10 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài. Theo số liệu từ Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, trong 5 năm gần đây, lượng khách tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân 20%/năm. Dự kiến năm 2021, người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ tập trung nhiều nhất vào các hộ gia đình có thu nhập trên 10.000 - 30.000 USD”.

Uống ngụm nước, ông nói tiếp: “Các công ty du lịch Việt Nam sẽ phải suy nghĩ rất nhiều, khi biết 81,6% số người tham gia khảo sát được hỏi từng hoặc đang dự định cho một chuyến đi du lịch tới Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... trong 1 năm tới. Đồng thời, 52% khách Việt du lịch nước ngoài theo hình thức tự túc đến khu vực Đông Á, nhiều nhất là tới Hàn Quốc”.

- Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc đầu tư bài bản vào văn hóa, du lịch, thể thao, y tế. Tôi nhớ, cách đây 20 năm, Hà Nội mạnh dạn đầu tư tu bổ Văn Miếu-Quốc Tử Giám 18 tỷ đồng thì nơi đây cũng đã tấp nập khách đến tham gia, năm ngoái doanh thu đã đạt 40 tỷ đồng. Điều này cho thấy kinh tế văn xã cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác. Bà Hài Tươi tính toán rất nhanh.

- Ngay như trong thể thao, bầu Hiển tập trung cho khâu đào tạo trẻ ngoài việc đưa Hà Nội FC trở thành thế lực hàng đầu của sân cỏ Việt Nam thì họ cũng đã chuyển giao 3 đội bóng cho các địa phương khác. Bầu Hiển đã mạnh dạn kinh doanh bóng đá và bước đầu đã thu được kết quả. Ông trưởng thôn nhận định.

Câu chuyện cuối năm của dân cư phố cũng là nỗi trăn trở của nhiều người dân Hà Nội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 việc thông thương với các nước trong khu vực thì kinh tế văn xã cần phải được đặt lên bàn nghị sự, xem như đó là một mũi nhọn kinh tế để có việc đầu tư bài bản, hiệu quả.