Hơn 10 năm qua, cầu Thanh Trì đã góp phần cơ bản giải quyết ách tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội. Cầu Thanh Trì được coi là dự án cầu lớn nhất Đông Dương tại thời điểm khánh thành (tháng 2 năm 2007) với lưu lượng thiết kế ban đầu khoảng 15.000 xe/ngày đêm. Đến năm 2010, cầu này kết nối với cầu vượt cạn Pháp Vân khiến cho vai trò “nối nhịp bờ vui” tiếp tục được nâng lên một bước.
Hiện nay, lưu lượng qua cầu Thanh Trì đã lên đến hơn 123.000 xe/ngày đêm, gấp 8 lần thiết kế ban đầu, được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân để nơi đây liên tục xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông. Đã nhiều năm, cầu Thanh Trì đã trở thành một "điểm đen" về TNGT, đang có xu hướng tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Đã có trường hợp sau vụ tai nạn giao thông đã xảy ra ùn tắc kéo dài từ cầu Thanh Trì đến cầu Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ở chiều ngược lại, đường Vành đai 3 từ nút Mai Dịch dẫn lên cầu cũng ùn tắc hơn 5 giờ. Ngoài ra, tình trạng người đi ô tô, xe máy tự ý tháo dải phân cách để đi sang làn đường ô tô trên cầu diễn ra phổ biến khiến cho tình hình giao thông đã quá tải lại càng phức tạp.Rõ ràng, để giải quyết tình trạng quá tải cần phải có một giải pháp tổng thể, trong đó phải xây mới những chiếc cầu bắc qua sông Hồng để phục vụ có nhu cầu đi lại của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Trước khi Hà Nội tiến hành triển khai xây dựng mới 10 cầu: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh) thì vẫn cần tổ chức phân luồng đi lại qua cầu Thanh Trì.Việc bố trí dải phân cách cứng giữa 3 làn ô tô và 1 làn hỗn hợp đã làm ùn tắc trên cầu giờ cao điểm. Theo các chuyên gia giao thông, Sở GTVT Hà Nội cần bố trí giải phân cách mềm, tổ chức riêng 3 làn ô tô và 1 làn cho xe máy. Việc trên cầu cho phép ô tô lưu thông với tốc độ 80km/h, xe máy 50km/h cũng được cho là nguyên nhân chính gây các tai nạn liên hoàn trên cầu. Ngoài việc hạ tốc độ cũng cần giải pháp lắp đặt camera giám sát để phát hiện và phạt nguội các phương tiện vi phạm tốc độ khi CSGT không có mặt.Cùng đó với đó cũng cần rà soát, điều chỉnh vạch kẻ đường, tô kẻ lại các biển báo hiệu trên cầu cho phù hợp với các làn đường dành cho xe chạy trên cầu Thanh Trì. Đội CSGT số 14 - Công an TP Hà Nội, đơn vị được giao nhiệm vụ điều phối giao thông cầu Thanh Trì dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác nhưng vẫn cần duy trì sự có mặt thường xuyên vào các giờ cao điểm, ngày lễ, tết. Thực tế cho thấy, sự hiện diện của CSGT đã khiến cho tình trạng giao thông được tốt hơn, người tham gia giao thông không dám lấn làn, vượt tốc độ.Câu chuyện quá tải cầu Thanh Trì cho thấy, công tác quy hoạch và hoạch định công suất thiết kế các công trình trọng điểm cần phải có tầm nhìn dài hạn, tính toán phù hợp với sự gia tăng của phương tiện giao thông. Nhưng trước mắt cần phải có ngay giải pháp “giải cứu cầu Thanh Trì” để người dân bớt đi nỗi khổ mỗi khi đi qua cây cầu, một thời là niềm tự hào của Thủ đô.