Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến bất thường làm thế nào để có đủ nguồn hàng cung ứng cho các gia đình Việt đón Xuân là cả một vấn đề lớn. Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phù hợp là điều hàng triệu bà nội trợ Thủ đô quan tâm và cũng phần nào giải tỏa sự lo lắng đầu ra của sản phẩm cho bà con nông dân đang trồng trọt, chăn nuôi.Trong điều kiện bình thường, việc chắp nối giữa nơi sản xuất và tiêu thị đã khó, nay trong bối cảnh dịch dã, mọi chuyện còn được cho phức tạp, khó khăn hơn nhiều. Chúng ta đã chứng kiến những dịp cuối năm, giá thịt lợn tại thị trường Hà Nội cao ngất ngưởng nhưng người chăn nuôi cũng không được hưởng lợi.Dù dịch bệnh nhưng nhu cầu sắm sửa để mâm cơm ngày Tết của người Hà Nội vẫn phải tươm tất là điều có thật. Thực tế nhiều năm nay, tùy theo từng thời điểm Hà Nội đã tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu về nông sản. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp triển khai với các địa phương triển khai kế hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; theo đó Hà Nội sẽ chủ động triển khai kết nối cung - cầu nông sản, giới thiệu các HTX, công ty cung ứng, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn thành phố.Trong 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm của Hà Nội đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố với khối lượng hơn 220.000 tấn. Trong làn sóng dịch thứ 4, việc ra vào thành phố được quy định khá chặt chẽ, nên việc đảm bảo cho các bếp ăn gia đình không bị đứt bữa được coi là một thành công của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các đơn vị cung ứng. Việc không để đứt chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được coi là một trong những giải pháp giúp thành phố chống dịch Covid-19. Điều này sẽ hạn chế sự di chuyển không cần thiết của người tiêu dùng từ Hà Nội đi các vùng lân cận sắm sửa chuẩn bị Tết.Không chỉ bảo đảm nguồn hàng cho các siêu thị Việt, các chợ dân sinh, mà Hà Nội luôn sẵn sàng phối hợp kết nối nông sản, thực phẩm với các kênh siêu thị nước ngoài như: Big C, AEon Mall, MM Mega Market... Trong thời gian qua, Hà Nội đã phát động các cá nhân, tổ chức, đoàn thể tiêu thụ nông sản cho nông dân ngoại thành và các tỉnh xung quanh. Sở Công Thương Hà Nội và các siêu thì tổ chức các hội chợ quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu cho bà con nông dân các huyện.Để đảm bảo khối lượng nông sản, thực phẩm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán không chỉ chủ động nguồn hàng hóa mà các đơn vị liên quan phải có cách kịch bản phù hợp với các cấp độ dịch của thành phố. Khi chúng ta chưa mở cửa biên giới để nhập hoa quả, thực phẩm từ nước ngoài về thì cần phải có lượng hàng hóa thay thế, công khai các thông tin sớm những khó khăn, thuận lợi để người dân chia sẻ. Trong đó cũng phải tính kỹ đến các phương án vận chuyển, giao nhận hàng hóa, hệ thống kho lạnh sử dụng khi giãn cách giữa tỉnh với tỉnh, giữa các quận, huyện trong thành phố. Cùng với đó là các biện pháp quản lý chợ đầu mối, chợ dân sinh lâu nay vẫn được coi là những địa điểm đông người dễ bùng phát nguồn lây nhiễm.