Những năm gần đây, cụm từ “chỉ số hạnh phúc” đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân, không ít kết quả bình chọn về vấn đề này đã được công bố ở các cấp độ khác nhau. Nhưng dù vậy, câu hỏi "thế nào là hạnh phúc?" vẫn không dễ trả lời. Tuy nhiên thiết nghĩ, chất lượng cuộc sống bao gồm cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, suy cho cùng, đạt đến đâu là thể hiện qua sự hài lòng của chính mỗi người dân, mà ở đây được định tính bằng cảm nhận qua yếu tố hạnh phúc. Tức là làm sao để người dân cảm thấy thỏa mãn, hài lòng, đó chính là hạnh phúc.
Nhìn lại thời gian qua, chỉ riêng việc các cấp, ngành luôn quan tâm chăm lo đời sống người dân thông qua việc ban hành các văn bản, chính sách an sinh; chăm sóc đến các đối tượng yếu thế trong xã hội… Đó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc sống hạnh phúc của mỗi gia đình.Trở lại việc nhấn mạnh yếu tố hạnh phúc, hướng tới nâng cao chất lượng đời sống cho người dân được để cập đến tại Đại hội Đảng bộ của tỉnh Yên Bái, được biết, tỉnh đã tham khảo kinh nghiệm của một tổ chức của nước Anh, khảo sát hơn 2.000 phiếu, đánh giá theo các tiêu chí. “Chỉ số hạnh phúc” ở đây bao gồm các tiêu chí: Sự hài lòng về cuộc sống, môi trường sống, chỉ số tuổi thọ. Đánh giá sự hài lòng về cuộc sống có 4 yếu tố: Sự hài lòng về điều kiện kinh tế vật chất; về mối quan hệ trong gia đình và xã hội; về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; tiếp xúc với cơ quan công quyền. Sự hài lòng về môi trường sống có các yếu tố: Sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng đô thị và làng, xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý rác thải, nước thải; việc bảo vệ rừng và môi trường… Tỉnh cũng tự định lượng ra một tỷ lệ hạnh phúc hiện tại và đặt mục tiêu tăng chỉ số hạnh phúc này trong những năm tới.Khi đón nhận thông tin này, nhiều người dân cảm thấy rất vui. Chưa tính đến việc các chỉ số hạnh phúc ấy có phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hay các nguyên tắc mẫu hay không nhưng đã cho thấy, sự nhìn nhận và quan tâm của cấp ủy Đảng tới những điều người dân mong muốn. Chất lượng cuộc sống luôn là một đòi hỏi chính đáng của người dân và luôn biến động theo từng điều kiện cụ thể. Dù vậy, khi gắn với mục tiêu cụ thể để nâng chỉ số hạnh phúc, chất lượng cuộc sống, chính là sự đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu của người dân trong điều kiện cho phép. Hy vọng rằng, không chỉ dừng ở con số, chỉ tiêu trên giấy, trong nghị quyết, chỉ số hạnh phúc ấy phải thực sự được thực thi bằng các giải pháp kèm theo, để đi vào cuộc sống, để người dân thực sự hạnh phúc.