Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Vậy giờ con chơi gì đây?

Đèn Đường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời Bác Hồ từng mong muốn làm sao cho trẻ em được hưởng những gì tốt nhất của xã hội. Nhưng thực tế, giải quyết nhu cầu đọc của trẻ em đang là một vấn đề nan giải của không ít gia đình.

Cả ngày Chủ nhật, tôi dành thời gian đi mua quà Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 cho con trai. Hai vợ chồng đi khắp 3, 4 hiệu sách, lang thang tận phố Đinh Lễ nhưng vẫn không tìm được quyển nào ưng ý. Phần lớn sách cho thiếu nhi hiện nay là sách dịch, nhiều nhất vẫn là của tác giả Andersen.
Không thể nói sách dịch không hay nhưng phải thừa nhận một điều, nếu đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì tâm hồn của các đứa bé sẽ chỉ nhớ đến những con tuần lộc, cánh đồng tuyết, với những đàn sếu bay, xa rời dần chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, nơi có những dòng sông lơ đễnh, đàn trâu gặm cỏ trên bờ đê, những cánh diều tuổi thơ.

Những cô bé, cậu bé Việt quen với lễ hội đường phố nhưng lại xa lạ với giai điệu dân ca, không có điều kiện để hiểu biết về văn hóa, thiên nhiên, con người Việt Nam và những giấc mơ khác của người Việt…
Gần đây, không có nhiều tác phẩm văn học mà đứa trẻ nào cũng thích đọc, thậm chí bậc làm cha, làm mẹ đọc cũng thích. Nhiều nhà văn coi đề tài thiếu nhi như “chặng nghỉ” cho cuộc đời cầm bút, khi ngòi bút đã cứng cáp, lập tức người ta chuyển sang chọn lĩnh vực khác, hấp dẫn người đọc hơn.
Trong văn đàn Việt Nam không có những cây viết như nhà văn Tô Hoài với “Dế mèn phiêu liêu ký” (1941), “Chuyện nỏ thần” (2003), “Mẹ mìn, bố mìn” (2007), “Nhà Chử” (2012). Tập “Dế mèn phiêu liêu ký” của ông đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của không biết bao thiếu nhi, để sau này lớn lên, nhiều người vẫn tìm đọc lại.
Khi mà tại các TP lớn, sân chơi của thiếu nhi ngày càng thu hẹp, việc không có nhiều tác phẩm hay dành cho trẻ em đã để lại nỗi lo cho bậc làm cha, làm mẹ. Vợ tôi, mỗi ngày không ít hơn 5 lần, gào thét cậu quý tử hãy rời xa màn hình chiếc điện thoại và những trò chơi điện tử ngày một nhiều. Nhưng khi nó hỏi lại “vậy giờ con chơi gì đây?” thì cả hai vợ chồng đều im lặng.
Việc mới đây, một tờ báo đã đứng ra thành lập Giải thưởng Dế Mèn cho các tác phẩm viết về thiếu nhi thực sự là tin vui. Giải thưởng Dế Mèn sẽ được trao vào dịp 1/6 hàng năm, bao gồm giải thưởng “Hiệp sĩ Dế Mèn” với tiền thưởng 30 triệu đồng và tặng thưởng “Khát vọng Dế Mèn” với tiền thưởng 10 triệu đồng.
Hội đồng giám khảo Dế Mèn có cả thảy 7 vị có tên tuổi gồm: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh, họa sĩ Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa đã giúp người ta kỳ vọng sẽ chọn lựa được những tác phẩm hay.
Các con sắp có sách hay để đọc chưa, thưa các bác?