KTĐT - Việc chuyển thể các tác phẩm văn học, công trình nghiên cứu về văn hóa-lịch sử từ tiếng Hindi sang tiếng Việt và ngược lại nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng sẽ được tiến hành.
Tiến sĩ Jitendra Nath Misra, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định tiếng Hindi sẽ tiếp tục được mở rộng giảng dạy cho sinh viên Việt Nam trên cả nước trong thời gian sớm nhất.
Tại hội thảo “Nhận thức tiếng Hindi ở Việt Nam” diễn ra ngày 25/1 nhân kỷ niệm Ngày thế giới nói tiếng Hindi 10/1, các chuyên gia, giảng viên, đông đảo học sinh, sinh viên và khách mời đã thảo luận rất sôi nổi, nhằm tìm hướng phát triển tốt nhất cho ngôn ngữ Hindi tại Việt Nam.
Theo tiến sĩ Lê Tây, thuộc khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cần phải hình thành một ban nghiên cứu về tiếng Hindi, nhằm tạo điều kiện để các học giả trau dồi kiến thức, tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về tiếng Hindi thông qua các công trình nghiên cứu, tác phẩm văn hóa.
Đồng thời, việc chuyển thể các tác phẩm văn học, công trình nghiên cứu về văn hóa-lịch sử từ tiếng Hindi sang tiếng Việt và ngược lại nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng sẽ được tiến hành.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảng dạy tiếng Hindi muốn lôi cuối người học cần phải thiết kế bài giảng thật sinh động và thiết thực, thông qua việc lồng ghép bài học với các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ.
Trong thời gian qua, Ấn Độ đã dành nhiều chương trình học bổng dài hạn (2 năm), ngắn hạn (2-3 tháng) du học tại Ấn Độ cho sinh viên và các giảng viên Việt Nam. Qua đó, người học có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử văn hóa, văn minh của Ấn Độ.
Tổng Lãnh sự Jitendra Nath Misra cũng cho biết bên cạnh việc cải tiến và đổi mới phương pháp giảng dạy, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Việt Nam còn hỗ trợ giới thiệu cho sinh viên Việt Nam khi ra trường được làm việc trong các công ty, doanh nghiệp của Ấn Độ. Việc làm này nhằm thu hút sự quan tâm của người học, đồng thời cũng là động lực khuyến khích sinh viên học tập tốt hơn.
Hiện ở Việt Nam , tiếng Hindi chỉ mới được giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ kinh phí cho việc mở các lớp giảng dạy tiếng Hindi tại các trường Đại học Trà Vinh, Đại học An Giang, Đại học Đà Lạt, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng./