Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Tiếng thơm” hương xạ Cao Thôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tới thăm làng Cao Thôn (xã Bảo Khê, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) những ngày này, du khách sẽ được thưởng lãm bức tranh tuyệt đẹp từ những bó hương được người dân phơi khắp nơi như những đóa hoa rực rỡ.

Làng nghề hương xạ Cao Thôn có tuổi đời chừng 200 năm. Đó là một ngôi làng yên bình dưới những vòm nhãn cổ thụ, nồng nàn hương thơm của các loại thảo mộc hòa trộn.

Ngay từ đầu làng đã thấy những gian hàng ven đường bày bán đầy đủ các loại hương như hương vòng, hương đen, hương nén, hương đậu tàn... Càng tiến sâu vào làng, mùi thơm càng đậm đặc, những que hương phơi khắp đường làng, ngõ xóm như những đóa hoa đỏ rực khiến ai cũng phải xiêu lòng.
“Tiếng thơm” hương xạ Cao Thôn - Ảnh 1
Thậm chí, nhiều người còn chết mê chết mệt với mùi thơm nhẹ mà thanh, không sực nức mà thoang thoảng, nồng nàn, phảng phất rất lâu của hương xạ thôn Cao. Đó là bởi nguyên liệu làm hương chủ yếu là các loại thảo mộc như hồi, quế, trầm, hoàng đàn, tùng bạch chỉ, đinh hương, trắc bách diệp, xuyên đại hoàng, xuyên quy, dây keo... Tùy từng cách pha chế, mỗi người thợ lại cho ra một loại hương riêng biệt, làm nên thương hiệu cho cơ sở mình.

Thời điểm này đang là chính vụ làm hương xạ, cảnh người làm hương trong xưởng, người phơi, người đóng gói… thật nhộn nhịp. Người thợ làm hương vòng trông như một nghệ sĩ múa, một tay giữ lõi khuôn, một tay lắc đều rải xếp quấn vòng hương. Mấy cô thợ nhúng hương thì bịt kín mặt vì ở đây cực kỳ bụi, không gian lúc nào cũng như trong một lớp sương màu vàng mỏng. Chẳng những thế, từ pha chế thuốc, se, nén đều làm bằng phương pháp thủ công.

Tăm hương được phơi “trống hoa”, nén hương làm xong phơi thật khô trên những chiếc phên thì màu sắc mới đẹp, mùi thơm mới vẹn nguyên và độ bắt lửa nhạy bén... Tất cả đòi hỏi sự tập trung chú ý của người thợ để sản phẩm được đều, đẹp và đạt chuẩn về chất lượng. Chị Duyên, người làng Cao Thôn cho hay: Làm hương tay mất sức nhiều mà hương hay bị hỏng, không đồng đều.

Một thợ giỏi phải thức khuya dậy sớm mỗi ngày mới làm được một vạn hương. Còn hương máy vừa đều, vừa đẹp lại ít hỏng, mỗi ngày làm được vài vạn. Bởi vậy, trong làng bây giờ chỉ còn 2 - 3 nhà dân làm hương tay, còn lại chuyển sang làm hương máy. Nhưng dù làm máy hay tay, người Cao Thôn vẫn quyết không cho phép cẩu thả, làm gian dối, kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói thành phẩm, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, làn khói tỏa như thế nào... Thế nên, “tiếng thơm” của hương xạ Cao Thôn ngày càng bay xa.