Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp bài dự án xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên: Hàng trăm doanh nghiệp mòn mỏi chờ điện ổn định

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, báo Kinh tế & Đô thị đã có loạt bài phản ánh về việc mòn mỏi chờ đợi của người dân và doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất (SX) tại hơn 100 làng nghề trên địa bàn huyện Phú Xuyên với mong muốn chủ đầu tư sớm thực hiện DA xây dựng TBA 110kV tại tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên để có được nguồn điện ổn định.

Tuy nhiên, đến nay, khi ước mơ trở thành hiện thực thì lại gặp phải sự phản đối vô cớ, không có lý do chính đáng của một số người dân.
“Điện yếu” gây ảnh hưởng cho sản xuất của doanh nghiệp
Là một trong những DN đã có thời gian 12 năm hoạt động trên địa bàn, Giám đốc Công ty CP Thương mại Đầu tư và SX Đại Thắng Vũ Văn Phú bộc bạch: “Đại Thắng là địa phương nằm ở đầu huyện, cách TBA 110kV Tía có lộ đường dây cấp điện khoảng 5km, theo quy định nguồn điện lúc nào cũng phải  ổn định. Tuy nhiên, nhiều năm qua, không chỉ có Công ty của tôi, mà 16 DN khác cùng hàng trăm cơ sở SX tại làng nghề truyền thống trên địa bàn xã Đại Thắng cũng phải chịu chung cảnh hệ thống dây chuyền SX thường xuyên phải dừng hoạt động vì không đủ điện tải hoặc do bị cắt điện, nhất là những ngày nắng nóng”.

Doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Xuyên đang mòn mỏi chờ nguồn điện ổn định. Ảnh: Công Tâm

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Công Thanh - Phó Giám đốc chi nhánh Nhà máy Sợi Phú Xuyên cho biết, do nhà máy nằm ở thị trấn Phú Xuyên, cách xa điểm đầu của lộ đường dây dẫn điện từ TBA 110kV Tía tới hơn 20km nên khi về đến nhà máy, nguồn điện luôn yếu, không đảm bảo chất lượng điện năng để tải cho hệ thống dây chuyền với 30 máy công nghiệp SX sợi và hệ thống điều không - khí nén mỗi ngày tiêu thụ khoảng 12.000 - 13.000kW điện. Mặc dù, sản lượng tiêu thụ điện lớn, nhưng nguồn điện lại không đảm bảo phục vụ SX nên cứ vào mỗi buổi sáng, Công ty phải cắt điện khoảng 10 phút để đổi nguồn (đổi chiều). Không những thế, mỗi khi xảy ra sự cố về điện, dây chuyền SX phải chạy lại sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH phát triển xanh An Nghiệp Phạm Thị Lan Dung cho rằng, là một trong những công ty hoạt động trên địa bàn xã Châu Can ở cuối huyện, cách xa TBA 110kV Tía khoảng 40km. Do nằm ở lộ đường dây kéo dài nhất huyện nên nguồn điện lúc nào cũng ở trong tình trạng quá tải. Chính vì vậy, ngay từ năm 2002 khi mới đi vào hoạt động, Công ty đã phải mua máy phát điện để thường xuyên sử dụng phục vụ cho tình huống mất điện do quá tải. Tuy nhiên, máy phát điện cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ máy may công nghiệp trong tổng số 500 máy may của Công ty. Số máy may còn lại và hàng trăm máy móc, thiết bị khác phục vụ cho SX may mặc quần áo xuất khẩu khác đành phải dừng hoạt động đến khi nguồn điện ổn định hoặc có điện...
Tái diễn vi phạm sẽ xử lý theo quy định
Thẳng thắn nói về những khó khăn trong việc cung cấp điện cho toàn huyện, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Xuyên Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trên toàn địa bàn TP hiện chỉ có Phú Xuyên chưa có TBA 110kV nên phải phụ thuộc vào TBA 110kV Tía đang trong tình trạng đầy tải. Hiện nay, 7 lộ đường dây trung thế truyền tải điện từ TBA 110kV Tía về Phú Xuyên có bán kính cấp điện từ 20 - 30km, đặc biệt có lộ đường dây dài gần 40km. Do chiều dài bán kính đường dây lớn khiến chất lượng điện áp không ổn định, công tác xử lý sự cố thường bị kéo dài gây ảnh hưởng cho việc cung cấp điện cũng như độ tin cậy lưới điện. Vì thế, việc triển khai DA xây dựng TBA 110kV tại tiểu khu Mỹ Lâm là rất cấp thiết, không thể trì hoãn hơn được nữa. “DA hoàn thành, không chỉ đảm bảo cung cấp điện chất lượng, an toàn cho người dân, làng nghề, phục vụ cho SX trong khu Công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội có sức chứa hơn 3.000 DN và tạo việc làm cho khoảng 500.000 lao động. Ngoài ra, thời gian tới huyện còn xây dựng thêm 2 điểm công nghiệp làng nghề tại xã Đại Thắng, xã Phú Túc và xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Châu Can. Do vậy, nhu cầu cần điện ổn định là rất cấp thiết” - ông Anh chia sẻ.   
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa khẳng định, trên địa bàn huyện hiện có 461 DN hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Do nguồn điện không ổn định nên nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho hoạt động SX của DN. Chính vì vậy, việc thực hiện DA xây dựng TBA 110kV tại tiểu khu Mỹ Lâm đang là vấn đề cấp thiết, sự sống còn để đánh giá tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để thực hiện các bước tiếp theo của DA, Huyện ủy sẽ chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Mục đích là giúp người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực và tầm quan trọng của DA, tránh để kẻ xấu lợi dụng gây mất đoàn kết tình làng nghĩa xóm, nguy hiểm hơn nữa là vi phạm pháp luật. Những hành vi cản trở, lăng mạ cán bộ, người thi hành công vụ nếu tiếp tục tái diễn sẽ bị xử lý theo các tội danh gây rối trật tự, xâm phạm chỗ ở của công dân, cán bộ chính quyền.
DA hoàn thành là cơ sở có tính khoa học, điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Do vậy, một số hộ dân tiểu khu Mỹ Lâm hãy chia sẻ nhiệm vụ chính trị với ngành điện, đồng thuận tạo điều kiện để triển khai xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên đảm bảo đúng tiến độ cung cấp điện cho khu vực trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
Phó Giám đốc ban Quản lý DA điện Hà Nội 
Nguyễn Chí Thanh