Tiếp đà giảm nhẹ, dầu Brent mất 0,26 USD/thùng

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu ngày 13/10 tiếp tục xu hướng giảm nhẹ khi các yếu tố rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày một lớn hơn.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 13/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 80,49 USD/thùng, giảm 0,15 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 12/10, giá dầu WTI giao tháng 11/2021 đã tăng nhẹ 0,08 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 83,23 USD/thùng, giảm 0,19 USD/thùng trong và đã giảm 0,26 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 12/10.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại nhiều quốc gia, khu vực có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu, nhưng cũng khiến giá cả nhiều loại hàng hoá leo thang và thiếu hụt.
Ước tính, quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng khí tự nhiên sang dùng dầu thô đã làm tăng nhu cầu dầu toàn cầu từ 250.000 – 750.000 thùng/ngày.
Việc này diễn ra trong một thời gian sẽ đẩy lạm phát tăng cao, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do thiếu hụt nguồn cung… kéo theo đó là tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn dĩ đang rất mong manh bị chậm lại, nhu cầu dầu khi đó sẽ đi xuống. Động lực tăng giá vì thế sẽ giảm và đây cũng là nguyên nhân khiến giá dầu hôm nay có xu hướng giảm nhẹ.
Trước loạt dữ liệu trên, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 6% xuống còn 5,9% cho năm 2021 nhưng lại giữ nguyên mức dự báo 4,9% cho năm 2022. Mặc dù chỉ hạ mức dự báo tăng trưởng 0,1% nhưng theo IMF, với một số nước cụ thể mức tăng trưởng sẽ giảm mạnh hơn do tác động của dịch Covid-19 và quá trình phân phối vaccine Covid-19.
IMF cũng chỉ ra rằng, hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị đình trệ vì các vấn đề trong chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu các thành phần quan trọng như thiết bị bán dẫn, cũng như việc cảng biển đóng cửa, thiếu xe chở hàng, thiếu nhân công vì những biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch.
IMF dự báo lạm phát sẽ trở lại mức trước dịch vào năm 2022, nhưng cũng cảnh báo điều này có thể thay đổi nếu tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài.
Báo cáo cũng cắt giảm tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế công nghiệp hàng đầu trong năm 2021 như hạ tăng trưởng của Đức 0,5 điểm phần trăm xuống còn 3,1%, của Nhật Bản giảm 0,4 điểm xuống còn 2,4%, của Anh giảm 0,2 điểm xuống còn 6,8%, của Trung Quốc giảm 0,1 điểm xuống còn 8%...
Đặc biệt, IMF đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Mỹ từ mức 7% xuống còn 6%.