Được “giới thiệu” nên không cần đấu thầuCao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có 4 trạm thu phí (Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ) ban đầu được VEC giao cho Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) quản lý và khai thác. Đến ngày 4/7/2012, Công ty Yên Khánh có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đề xuất được tổ chức thuê dịch vụ quản lý thu phí trên tuyến cao tốc này. Không lâu sau đó, Bộ GTVT có Công văn số 5249/BGTVT-TC “giới thiệu” Công ty Yên Khánh và đề nghị VEC đàm phán ký hợp đồng nhượng quyền thu phí với DN này. Đến tháng 1/2013, sau khi đề xuất chủ trương ký hợp đồng về dịch vụ thu phí đường bộ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Công ty Yên Khánh được Bộ GTVT đồng ý, VEC đã chính thức ký Hợp đồng số 02/HĐ/VEC-YK/2013 ngày 17/1/2013 với Công ty Yên Khánh, cho phép thực hiện việc thu phí tại 4 trạm thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thay cho VEC O&M.
|
Trạm Liêm Tuyền là một trong 4 trạm thu phí được VEC nhượng quyền cho Công ty Yên Khánh |
Trong Văn bản số 2792/VEC-BC ngày 19/10/2012 mà VEC gửi Bộ GTVT xin chủ trương ký hợp đồng thực hiện dịch vụ thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Công ty Yên Khánh, VEC báo cáo nội dung làm việc với DN này, trong đó nêu rõ chi phí trọn gói do Công ty Yên Khánh đề xuất là hơn 21 tỷ đồng (chưa gồm VAT). Dù theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì giá gói thầu tư vấn trên 500 triệu đồng thực hiện đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, với sự “giới thiệu” của Bộ GTVT cùng sự “nhiệt tình” của VEC, Công ty Yên Khánh đã mặc nhiên trúng thầu theo hình thức không khác gì chỉ định thầu dù giá trị gói thầu lên tới 21 tỷ đồng.
Sự nhập nhèm khó hiểuTheo sự chấp thuận của Bộ GTVT, hợp đồng được ký giữa VEC và Công ty Yên Khánh chỉ có thời hạn trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, trong suốt 5 năm (từ 2013 - 2017), DN này vẫn được công khai thực hiện việc thu phí. Ngày 6/10/2017, Văn phòng Chính phủ ra Văn bản số 10609/VPCP-QHQT giao Bộ GTVT chỉ đạo VEC không được phép nhượng quyền thu phí của bất kỳ dự án nào trong phương án hòa chung dòng tiền của VEC. Đến lúc này, VEC mới có văn bản gửi Hội đồng Thành viên xin chủ trương chấm dứt hợp đồng dịch vụ thu phí với Công ty Yên Khánh.
Trong Văn bản số 3770/VEC-VECM ngày 21/11/2017, VEC đưa ra một loạt những tồn tại trong quá trình thực hiện thu phí của Công ty Yên Khánh, từ công tác tổ chức thu phí đến nghiệp vụ thu phí, giám sát, hậu kiểm. Đặc biệt, văn bản này khẳng định, sau khi hết thời hạn 12 tháng trong hợp đồng, Công ty Yên Khánh đã không đề xuất được phương án nhượng quyền thu phí mà chỉ thực hiện công tác thu phí theo các đợt gia hạn hợp đồng (lần gia hạn gần nhất đến ngày 31/12/2017). Ngoài ra, VEC cũng trích dẫn nội dung Văn bản số 10609/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ để đưa ra kiến nghị chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh.
Điều khó hiểu nhất là vào năm 2012, chính VEC đứng ra đề xuất Bộ GTVT nhượng quyền thu phí từ VEC O&M thì đến văn bản xin chủ trương chấm dứt hợp đồng với DN này, VEC lại cho rằng “hiện nay tình trạng thu phí tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát vé, thẻ” và khẳng định “việc chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh là hợp lý”. Từ đó, VEC kiến nghị ký hợp đồng lại với VEC O&M vì các đơn vị quản lý khai thác trực thuộc VEC, trong đó có VEC O&M “đều có kinh nghiệm trong công tác quản lý thu phí” nên việc giao lại quyền thu phí cho VEC O&M là “hợp lý, đồng bộ và dễ kiểm soát”.