Theo Chủ tịch FED Ben Bernanki, lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao buộc định chế tài chính này tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, và chỉ giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu từ cuối năm nay. Trước đó, thị trường toàn cầu tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với các thông tin, tín hiệu sẽ dừng chương trình nới lỏng định lượng QE3 mà FED đưa ra, thậm chí có lúc chứng khoán thế giới đều đỏ rực nhiều phiên liền. Nếu tuyên bố trên thành sự thật, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước đang phát triển sẽ rơi vào vùng nguy hiểm do nhà đàu tư ồ ạt rút tiền và các chính sách lạc hậu không đối phó được với diễn biến thị trường. Trên thực tế, đồng Real của Brazil đã mất giá mạnh, thậm chí đồng Rupee của Ấn Độ đã mất tới 5% giá trị kể từ hôm 31/5. Các quỹ đầu tư toàn cầu cũng đã bán tháo hơn 8 tỷ USD khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu Ấn Độ kể từ khi FED phát tín hiệu giảm dần chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu chính phủ hàng tháng.
Các ngân hàng Trung Quốc ồ ạt cho vay trở lại sau hơn nửa tháng tạm ngừng. Ảnh: AFP
Ngoài thông tin lạc quan từ FED, hàng loạt các ngân hàng T.Ư châu Á cũng khẳng định chưa có ý định việc Ngân hàng T.Ư Nhật Bản hôm 11/7 cam kết duy trì chương trình nới lỏng tiền tệ, theo đó, tiếp tục bơm 60.000 tỷ yên (609 tỷ USD) đến 70.000 tỷ yên (715 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế. Cùng ngày, Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc cũng quyết định giữ nguyên lãi suất tháng thứ 2 liên tiếp sau khi động thái hạ lãi suất hồi tháng 5 khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Hàn Quốc đang phải đối phó với tình trạng won tăng mạnh so với yên do chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản. Nội tệ tăng giá làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc so với Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu tăng sau khi FED phát tín hiệu giảm nới lỏng tiền tệ có nguy cơ làm tăng chi phí đi vay đối với hộ gia đình Hàn Quốc đặc biệt khi nợ hộ gia đình ở đây lên kỷ lục. Ngoài ra, Ngân hàng T.Ư Thái Lan hôm 10/7 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản do baht bắt đầu giảm trở lại do đó làm giảm sức ép nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Đặc biệt, việc các ngân hàng Trung Quốc ồ ạt cho vay trở lại sau hơn nửa tháng tạm ngừng việc cấp hạn mức tín dụng cho thấy, Bắc Kinh có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ để nền kinh tế đáp ứng các mục tiêu chính sách, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, giảm giá nhà và dịch vụ công cộng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Trong tuần đàu tiên của tháng 7, các khoản cho vay mới của 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc đã đạt 170 tỷ Nhân dân tệ (27,7 tỷ USD).