Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT định hướng năm học 2021-2022, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học, đồng thời, chú trọng bảo đảm chất lượng.

Đây là thông tin tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức  trực tuyến, kết nối khoảng 500 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. 

Hoàn thành nhiệm vụ với một số điểm nhấn

Năm học 2020- 2021 là năm thứ 2 toàn ngành Giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, hệ thống giáo dục đại học không những ứng phó tốt với dịch bệnh mà còn chủ động, tích cực cùng các địa phương trong cả nước thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; và đặc biệt ghi nhận nỗ lực của các trường khối y dược, công an, quân đội.

 Sinh viên ĐH Y Hà Nội lên đường chi viện tỉnh Bắc Giang (tháng 5/2021)
Báo cáo kết quả chủ yếu của giáo dục đại học năm học 2020-2021, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, giáo dục đại học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, cả về đào tạo và tuyển sinh. Những chính sách về tự chủ đại học từng bước được triển khai tốt; năng lực đội ngũ và thành tích nghiên cứu khoa học được tăng cường; vị trí trong các bảng xếp hạng quốc tế được duy trì… Tên tuổi của một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Tôn Đức Thắng, Duy Tân) tiếp tục có tên trong một số bảng xếp hạng có uy tín của thế giới trong năm 2021.
Trong tình hình dịch bệnh Covid -19, các cơ sở giáo dục đại học đã áp dụng phương thức giảng dạy và học tập trực tuyến linh hoạt trong tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập; từ đó vừa hoàn thành kế hoạch năm học, vừa bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Công tác tuyển sinh được triển khai bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để, giúp công tác tuyển sinh bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời giảm tối đa thí sinh ảo và giúp kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu. Hầu hết các cơ sở đào tạo đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021. Phần mềm tuyển sinh tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất.
Tự chủ để đại học năng động hơn
Chia sẻ về định hướng năm học 2021-2022, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết: Giáo dục đại học sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Công tác bảo đảm chất lượng tiếp tục được chú trọng. Mục tiêu đến năm 2025, trên 35% chương trình đào tạo nói chung, 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định; phấn đấu có 2 cơ sở giáo dục đại học lọt tốp 100 và 10 cơ sở lọt tốp 400 Châu Á; 4 cơ sở giáo dục đại học lọt tốp 1000 thế giới.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đại học theo hướng toàn diện, đúng hướng
Phân tích các vấn đề cần lưu tâm của giáo dục đại học thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vào nhiệm vụ tự chủ đại học và khẳng định, đó là vấn đề rất trọng tâm; do vậy cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện, đúng hướng, đầy đủ, có chiều sâu, hiệu quả và phải thực hiện cho được định hướng lớn là: Tự chủ để cho đại học được năng động hơn, giải phóng được các nguồn lực và sức sáng tạo; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Một vấn đề cần khác là tự chủ học thuật, trong đó có đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học. Đi cùng tăng cường tự chủ là trách nhiệm giải trình: Giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước, trước người học, trước các bên liên quan và trước xã hội.
Đảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng; hậu kiểm và kiểm tra, giám sát các vấn đề về trách nhiệm giải trình, hậu kiểm định đều là nhiệm vụ rất quan trọng của giáo dục đại học. Các lĩnh vực khác như đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp, hoạt động dạy học, thanh tra, kiểm tra, hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường nhân lực cho các cơ sở giáo dục… cũng là những vấn đề giáo dục đại học cần được quan tâm, đẩy mạnh.
Trong bối cảnh tuyển sinh chịu tác động của tình hình dịch bệnh những năm gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhắc tới việc sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án và lấy ý kiến rộng rãi về phương án đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng năng động hơn, tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT. Đây là việc đang trong quá trình chuẩn bị, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, 2 Đại học quốc gia và các đại học vùng có thể bắt tay vào ngay việc xây dựng và củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, để tạo ra tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.
 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần