Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một nền kinh tế mạnh là nhờ những doanh nghiệp mạnh, nền kinh tế phụ thuộc vào sức khoẻ doanh nghiệp. Vì thế, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị biểu dương người nộp thuế (NNT) tiêu biểu giai đoạn 2020 – 2022, sáng 20/10.

Hỗ trợ hơn 507 nghìn tỷ đồng tiền thuế

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân bị đình trệ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với quan điểm “Doanh nghiệp - động lực phát triển kinh tế của đất nước”, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị.

Đó là các giải pháp chính sách về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. “Chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là hơn 507.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin.

Mới đây nhất, năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn trong quản lý về thuế, hải quan và các quản lý khác. Trước mắt chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, đề xuất các chính sách hỗ trợ tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển. “Một nền kinh tế mạnh là nhờ những doanh nghiệp mạnh; nền kinh tế phụ thuộc vào sức khoẻ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt thì sẽ đóng thuế đầy đủ, đồng thời cũng sẽ trả nợ ngân hàng và thanh toán bảo hiểm tốt. Còn khi doanh nghiệp khó khăn thì nền kinh tế sẽ khó khăn” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Lấy người dân làm trung tâm phục vụ

Chia sẻ tại hội nghị, Tổng cục trưởng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế hướng tới tiếp tục cải cách toàn diện, điện tử hóa, số hóa theo mục tiêu lấy sự phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức hiệu quả cao nhất. Trong các trụ cột chiến lược trong đó có một trụ cột là mối quan hệ giữa cơ quan thuế và NNT, ngành Thuế xác định nguyên tắc lấy NNT làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Đây là quá trình chuyển đổi đòi hỏi ý thức của mỗi cán bộ, công chức ngành thuế phải kịp thời phục vụ hiệu quả, được sự đánh giá cao của NNT.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Cùng với đó, hướng tới mục tiêu cải cách hiện đại hóa thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thân thiện, hiệu quả, hiện đại. Điều này hướng tới chuẩn mực thuế quốc tế, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản  lý cũng như hiệu quả phục vụ của cơ quan thuế. Đồng thời xây dựng các chương trình cùng với NNT nâng cao tính tự nguyện qua đó giảm chi phí quản lý hành chính và NNT giảm được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý thuế hiện đại để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như tạo sự bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật về thuế.

Đặc biệt, để thực sự trở thành đối tác tin cậy với NNT, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, ngành Thuế Việt Nam luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được lòng Dân” và tập trung chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện quán triệt và tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo đến từng công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị từ đó tạo động lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Với cam kết tiếp tục mục tiêu “Lấy NNT làm trung tâm phục vụ”, người đứng đầu ngành Thuế Việt Nam đã khẳng định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thuế đã và sẽ tiếp tục tiếp bước, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, vượt khó của các thế hệ đi trước để cùng đồng hành chia sẻ cùng NNT - những đối tác của sự phát triển để hướng đến tương lai phồn vinh của đất nước.

 

Tại Hội nghị, Bộ Tài chính đã biểu dương 138 doanh nghiệp tiêu biểu có những đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2020 - 2022. Trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Công ty CP Cao su Phước Hòa, Đài truyền hình Việt Nam, Công ty TNHH KPMG...