Công văn của Bộ Y tế cho biết, theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện có 150 công ty có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu và 153 công ty sản xuất có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc được nhập khẩu nguyên liệu nói chung, trong đó có Salbutamol. Tuy nhiên trong 2 năm 2014 – 2015 chỉ có 20 công ty đề nghị cấp phép nhập Salbutamol, với số lượng năm 2014 là 3,9 tấn, năm 2015 là 5,2 tấn.
Ngay sau khi có thông tin Salbutamol có khả năng bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Cục Quản lý Dược gửi Tổng Cục Hải quan và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, các Sở Y tế yêu cầu tạm dừng nhập nguyên liệu Salbutamol, đồng thời triển khai công tác hậu kiểm 10 cơ sở nhập Salbutamol, trong đó phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) kiểm tra 6 cơ sở. Quá trình kiểm tra đã phát hiện có vi phạm trong việc bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược nên Cục Quản lý Dược đã đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc của các cơ sở vi phạm và chuyển 3 trường hợp cho C49 điều tra, gồm: Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông, Công ty CP Dược Minh Hải và Công ty TNHH Hóa dược Minh Anh. Tuy nhiên sau khi xem xét hồ sơ, C49 đã có thông báo về Cục Quản lý Dược cho biết chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định, đề nghị Cục Quản lý Dược xử lý hành chính theo thẩm quyền 2 đơn vị là Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông và Công ty CP Dược Minh Hải. Riêng trường hợp Công ty Hóa dược Minh Anh, C49 vẫn đang tiếp tục điều tra. Công văn của Bộ Y tế nhấn mạnh: “C49 cũng khẳng định chưa có cơ sở tài liệu chứng minh số lượng Salbutamol bán không đúng quy định được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi”. Cũng theo Bộ Y tế, để quản lý Salbutamol cũng như các danh mục hóa chất cấm trong ngành nông nghiệp nói chung, thời gian tới sẽ ký quy chế phối hợp 2 bộ giữa hai cơ quan là Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Tổng Cục Cảnh sát). Các cơ quan này sẽ tăng cường hậu kiểm, đồng thời yêu cầu DN phải giải trình về số lượng đề xuất, mục đích sản xuất, mục đích bán cho các đơn vị khác kèm theo danh sách các đơn vị dự kiến mua, đồng thời có cam kết bán hàng đúng đối tượng…
Nhân viên Chi cục thú y kiểm tra đàn lợn chuẩn bị đưa vào cơ sở giết mổ ở Quảng Bình. |