Ngày 19/7, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã khai mạc phiên chính thức. Tới dự có Ủy viên Bộ Chính chị - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các bộ, ban ngành từ T.Ư đến địa phương, cùng 542 đại biểu đại diện cho hơn 13 triệu thành viên khu vực kinh tế tập thể cả nước. Theo báo cáo của Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam, 5 năm qua, khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực; từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường; ngày một khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2016 - 2020. |
Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP trong những năm qua liên tục tăng; năm 2015, giá trị sản xuất khu vực kinh tế tập thể chiếm trên 6% GDP cả nước, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. 5 năm qua, khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX đã góp phần tái cấu trúc kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước và tăng kim ngạch xuất khẩu. Tính đến nay, khu vực kinh tế tập thể có tổng cộng khoảng 2 vạn HTX, 15 vạn tổ hợp tác, 43 liên hiệp HTX, thu hút gần 30 triệu người lao động, tham gia sản xuất ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 5 Khóa IX về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, khu vực kinh tế tập thể vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền từ T.Ư đến địa phương về kinh tế tập thể có nơi, có thời điểm còn chưa đầy đủ, chưa sâu sát.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại đại hội. |
Đến nay, mới chỉ có gần 50% số HTX hoàn thành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Quy mô sản xuất các HTX còn nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp, trang thiết bị công nghệ còn lạc hậu, trình độ đội ngũ quản lý HTX hạn chế khiến sức cạnh tranh của phần lớn các HTX chưa cao... Nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 giải pháp đột phá, trong đó, tập trung vào việc triển khai 5 đề án củng cố, phát triển HTX đã được T.Ư thông qua. Đề xuất Liên minh HTX Việt Nam cần tiếp tục quan tâm thảo luận, phân tích làm rõ các giải pháp đã đề ra, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, các cấp ban ngành từ T.Ư đến địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về vai trò, ý nghĩa quan trọng của kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả để Nhân dân chủ động, tích cực tham gia. Liên minh HTX các cấp đẩy mạnh việc triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các HTX, tương thích với đòi hỏi phát triển kinh tế tập thể trong điều kiện hiện nay; đây là điều kiện tiên quyết nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc tồn tại. Phối hợp với các bộ ngành, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ để triển khai dịch vụ kiểm toán chi phí thấp nhằm đánh giá thực chất hiệu quả hoạt động của các HTX, sớm chấm dứt HTX hoạt động hình thức. Các bộ ngành, địa phương chủ động triển khai hoạt động kết nối doanh nghiệp với HTX nhằm cung ứng đầu vào chi phí thấp, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, tạo điều kiện để các HTX ổn định sản xuất. Cùng với đó, liên minh HTX các cấp cần tiếp tục triển khai đầy đủ, có hiệu quả các đề án thí điểm, chương trình hỗ trợ phát triển HTX mà T.Ư đã đề ra, phấn đấu để khu vực kinh tế tập thể phát triển tương xứng với tiềm năng.