Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu: Giải pháp tình thế phù hợp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị kéo dài chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu tới hết năm 2024.

Đề xuất này được cộng đồng DN, chuyên gia đánh giá cao bởi đây là giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ổn định giá xăng, dầu trong nước, giảm chi phí đầu vào

Theo nội dung tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội, năm 2024, mức thuế BVMT áp dụng với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; với nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; với dầu hỏa 600 đồng/lít. Thuế BVMT là một trong những yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên việc điều chỉnh mức thuế này sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ. Cụ thể, với mức đề xuất mà Chính phủ trình, giá xăng, dầu tới tay người tiêu dùng sẽ hạ tương ứng 1.100 - 2.200 đồng/lít (đã gồm thuế giá trị gia tăng), riêng dầu hỏa hạ 660 đồng/lít.

Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trong trường hợp chính sách này không được thông qua, từ ngày 1/1/2024, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn quay lại thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế BVMT. Nghĩa là thuế BVMT với xăng, trừ ethanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.

Trong bối cảnh dầu thế giới liên tục biến động và tăng cao, việc tăng thuế với xăng dầu trong nước sẽ ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân cũng như sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, việc tiếp tục áp dụng mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như thuế thực hiện trong năm 2023 được người dân, DN, cũng như các chuyên gia đồng tình ủng hộ. Đây giống như một trợ lực giúp DN tăng khả năng phục hồi, nhất là các DN được hưởng lợi từ giảm thuế với xăng, dầu như vận tải, dịch vụ khí đốt, đánh bắt thủy sản.

Đối với người dân, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm trực tiếp chi phí khi tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn. Đồng thời, giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác, từ đó có thêm một phần chi tiêu, làm tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Đón nhận thông tin Chính phủ trình Quốc tiếp tục đề xuất giảm thuế BVMT xăng, dầu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Bá Bằng vui mừng cho biết, xăng dầu như huyết mạch của ngành vận tải, chiếm tới 30 - 40% tổng chi phí. Vì vậy, khi giá xăng, dầu tăng quá cao, dịch vụ bắt buộc phải tăng theo, đồng nghĩa sẽ giảm khả năng cạnh tranh của DN. Thực tế, trong suốt năm 2023, khi giá xăng, dầu được giảm 50% thuế BVMT đã hỗ trợ tích cực cho các DN vận tải. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay, việc giá xăng, dầu được hỗ trợ thuế sẽ là động lực lớn cho ngành vận tải nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Trước đó, khi góp ý vào dự thảo Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, nên tiếp tục giảm 50% thuế BVMT là giải pháp thiết thực nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế, hỗ trợ DN.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế

Thực tế cho thấy, mức thuế BVMT được điều chỉnh linh hoạt và đúng thời điểm (trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới tăng cao) đã kiềm chế sự tăng giá bán lẻ xăng, dầu trong nước, từ đó góp phần làm giảm chỉ số CPI, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh vĩ mô của Đảng, Nhà nước đề ra. Đồng thời, hỗ trợ cho các DN sản xuất xăng, dầu trong nước tiếp cận nguồn cung xăng dầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng khác.

Chính sách này đã chứng minh tính đúng đắn, hiệu quả trong thực tế. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường giá dầu thế giới tiếp tục phức tạp, biến động khó lường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sự ổn định kinh tế - xã hội, cũng như tác động đến thị trường trong nước. Nền kinh tế, DN còn nhiều khó khăn, để bảo đảm tính liên tục và kịp thời, việc kéo dài đến hết năm 2024 là phù hợp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, mục tiêu của Chính phủ khi giảm thuế BVMT trong thời gian qua là để hỗ trợ người dân, DN, phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nền kinh tế còn chưa thể phục hồi hoàn toàn, DN vẫn còn rất khó khăn, nên tiếp tục kéo dài chính sách này là cần thiết. Và thời gian kéo dài đến hết năm 2024 là phù hợp.

"Ở trong bối cảnh hiện nay, giải pháp tình thế giảm thuế BVMT với xăng, dầu là phù hợp và được nhiều hơn là mất. Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, giảm thuế BVMT với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào" – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Trước việc kéo dài thời gian giảm thuế BVMT xăng, dầu, nhiều ý kiến lo ngại sẽ không khuyến khích được việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng thay thế. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong ngắn hạn, cơ bản, việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu BVMT, do mức gia tăng tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá lớn. Đồng thời, trong các khuôn khổ FTA và các diễn đàn đa phương có sự tham gia của Việt Nam hiện không có các cam kết bắt buộc liên quan đến kiểm soát tiêu thụ xăng dầu. Việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không vi phạm cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương năm 2023 và với mức thuế BVMT cho những mặt hàng này như đề xuất thì số thuế BVMT giảm so với việc thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hơn 38.900 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng thu ngân sách Nhà nước giảm hơn 42.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Chính phủ, việc kéo dài giảm thuế BVMT với xăng, dầu tới hết năm sau sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Ngược lại, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trường hợp thuế BVMT với xăng dầu, mỡ nhờn tăng lên bằng mức trên của biểu khung thuế từ đầu năm 2024, sẽ làm CPI bình quân tăng thêm 0,36 - 0,54%. Trường hợp, nếu tiếp tục giảm thuế này hết năm sau sẽ tránh được biến động tăng giá bán lẻ xăng, dầu và không làm tăng CPI.

Trước đó, khi thẩm định đề xuất này, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Công Thương bổ sung đánh giá về cung cầu, giá xăng, dầu trong nước và thế giới để đưa ra thời gian áp dụng phù hợp. Song Bộ Tài chính cho hay, giá xăng, dầu thường biến động nhanh trong thời gian ngắn và giá trong nước phụ thuộc vào thế giới. Trong khi đó, giảm thuế BVMT là giải pháp tình thế, áp dụng trong bối cảnh giá xăng dầu biến động, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. "Chính sách này chỉ áp dụng trong thời gian nhất định, nên đề xuất kéo dài giảm thuế này với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm sau là phù hợp" - Bộ Tài chính lập luận.

 

Theo Bộ Tài chính, việc giữ giá bán xăng dầu không tăng quá cao thông qua việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế được những tác động tiêu cực đến kinh tế.

Đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2024 là một trong những nỗ lực lớn của Chính phủ nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như kiểm soát lạm phát.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính