Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhận định, những tháng cuối năm 2012 còn khó khăn và TP tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hỗ trợ các DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD), phấn đấu tăng trưởng cao hơn.
Thưa Phó Chủ tịch, hệ quả cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2011, khiến hoạt động của các DN từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Thành phố đã có những giải pháp gì chia sẻ với DN và kết quả đạt được như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu (bên phải) tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND TP Hà Nội và đại diện Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản - JBIC. Ảnh: Anh Quý
Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Sửu: Năm 2012, thành phố (TP) xác định, tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đối mặt với nhiều thử thách, nhất là các DN hoạt động SXKD. Nên ngay từ đầu năm, TP đã chủ động tổ chức hội nghị cho lãnh đạo TP cùng các cấp, các ngành gặp gỡ các DN, đại diện các hiệp hội DN... để bàn thảo, cùng nhau chia sẻ tháo gỡ nhưng vướng mắc. TP đã bám sát Nghị quyết 13 của Chính phủ (ngày 10/5/2012) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có các giải pháp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với một số DN; giảm tiền thuê đất... và ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện Nghị quyết này; cùng với đó, UBND TP phối hợp các bộ, ngành T.Ư, như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tổ chức các cuộc gặp gỡ với cộng đồng DN trên địa bàn, để tìm các giải pháp thúc đẩy hoạt động SXKD…
Tại các hội nghị triển khai công tác, lãnh đạo TP luôn chỉ đạo, các địa phương, các cấp, các ngành đề cao, ưu tiên hàng đầu là tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN SXKD... Bên cạnh đó, TP đã thiết lập 9 nhóm giải pháp, bao gồm: Hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng hỗ trợ lãi suất để DN đầu tư phát triển sản xuất, giảm 50% tiền thuế đất phải nộp của năm 2012, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng...; Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các HTX, cơ sở sản xuất; DN phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp công nghệ cao; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; lưu thông hàng hóa và giải quyết hàng tồn kho; công tác xuất khẩu; cung ứng nguồn lao động cho DN... Tính ra, mức hỗ trợ lên hàng ngàn tỷ đồng. TP cũng đã bố trí 100 tỷ đồng hỗ trợ DN thực hiện đầu tư các dự án về xây dựng nhà máy giết mổ gia súc gia cầm, điện nông thôn, xã hội hóa, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư...; 16 tỷ đồng cho DN, cơ sở SX tổ chức gần 100 lớp cấy nghề, tập huấn quản lý DN, thiết kế mẫu mã sản phẩm; ứng 475 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá; đưa 45 chuyến hàng, 6 phiên chợ Việt đến bán hàng tại các huyện, khu công nghiệp, nơi xa trung tâm TP, hỗ trợ cho người lao động; tổ chức các hội chợ, xúc tiến đầu tư, thương mại về công nghệ chế tạo phụ tùng, sản phẩm công nghệ hỗ trợ Việt Nam 2012 ở Hà Nội, xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư với các quốc gia, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanma, Lào; DN đi xúc tiến đầu tư tại Thái Lan, CHLB Đức... Tham gia đoàn công tác của lãnh đạo TP, Sở Công Thương và DN đã ký thỏa thuận hợp với 7 tỉnh phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ để phát triển kinh tế, thương mại...
TP còn tổ chức 4 lớp tập huấn cho 300 học viên các DN đầu tư nước ngoài (FDI) để giúp DN hoạt động thuận lợi, giảm các chi phí. Thực hiện Quyết định 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế khác…
Có thể nói, bằng các giải pháp nêu trên, đã có tác dụng tích cực thúc đẩy SXKD, lưu thông hàng hóa, giải quyết đời sống cho nhân dân. Kết quả, 9 tháng năm 2012, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước, cao so với mặt bằng chung cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn ước 92.275 tỷ đồng, đạt 63,1% dự toán HĐND TP giao, bằng 92% so cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, tình hình kinh tế còn khó khăn, TP tiếp tục phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn, cần sự nỗ lực rất lớn...
Phó Chủ tịch có thể nói rõ hơn điều này và TP có những giải pháp hỗ trợ DN như thế nào trong những tháng cuối năm?
- Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Sửu: Trong quý IV này, kinh tế Thủ đô tiếp tục gặp những khó khăn: Giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao; lượng hàng hoá tồn kho của một số ngành hàng còn lớn, như vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng, gạch…). Việc áp dụng các cơ chế chính sách cho DN thụ hưởng ưu đãi về vốn vay, lãi suất, giảm tiền thuê đất cũng còn những vướng mắc.
Để khắc phục khó khăn, TP tập trung 16 giải pháp hỗ trợ DN thúc đẩy SXKD. Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 13 của Chính phủ và Kế hoạch số 85/KH- UB của UBND TP về thực hiện Nghị quyết này. Đồng thời, duy trì việc tiếp xúc DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh SXKD, tạo thêm việc làm; Có các giải pháp giúp DN giảm chi phí đầu vào và hỗ trợ đầu ra cho DN về hỗ trợ lãi suất, ưu tiên bảo đảm ổn định điện cho SX; thực hiện kế hoạch phân phối điện hợp lý đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của SX và đời sống… Tập trung triển khai Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, phát triển mạng lưới bán hàng ở khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng xa trung tâm TP; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thực hiện kế hoạch: Tổ chức trên 400 phiên chợ Việt về các huyện và các Khu công nghiệp trên địa bàn; Hội chợ "Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2012", Hội chợ triển lãm OVOP (đã có 240 nhà nhập khẩu nước ngoài và hơn 400 doanh nghiệp trong nước đăng ký tham dự Hội chợ). Chương trình hợp tác giữa TP Hà Nội với 7 tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại (giai đoạn 2012 - 2015); liên kết các tỉnh để đưa hàng hóa DN Hà Nội sản xuất tiêu thụ tại các tỉnh. TP hỗ trợ công tác quảng bá, tuyên truyền, chi phí vận chuyển.
Thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch, các chương trình; Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; xúc tiến đầu tư; xúc tiến thương mại trọng điểm; hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa... Tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, tiếp cận vốn giữa DN và ngân hàng thương mại, ưu tiên tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp (đưa rau củ quả sạch vào tiêu thụ tại trung tâm TP), DN nhỏ và vừa, hỗ trợ SX hàng xuất khẩu xúc tiến đầu tư, thương mại, đào tạo, giải quyết việc làm, thoát nghèo và các mục tiêu an sinh xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đẩy mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động KD vàng, ngoại tệ trên địa bàn theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo môi trường SXKD lành mạnh, hiệu quả cao, hàng hóa chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn và xuất khẩu.
Thành phố tin tưởng, phát huy truyền thống tự chủ, năng động của các DN và các giải pháp nêu trên, sẽ tạo bước chuyển biến tích cực trong SXKD trên địa bàn và đạt hiệu quả cao, sẽ góp phần cùng TP vượt khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2012.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!