Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các nội dung liên quan đến việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng biến đổi gen trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hầu hết đại biểu cho rằng, khái niệm về cây trồng biến đổi gen, những giá trị mà loại cây trồng này mang lại cũng như những đóng góp và tác động của nó vẫn là đề tài khá mới mẻ đối với đại đa số công chúng trong nước. Mặc dù lợi ích của việc ứng dụng công nghệ biến đổi gen đối với cây trồng đã được khoa học và thực tế chứng minh, tuy nhiên vẫn còn không ít ý kiến trái chiều về lợi ích và sự an toàn của việc ứng dụng công nghệ này như ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cạnh tranh với thực vật tự nhiên…
Khảo nghiệm ngô biến đổi gen tại Đắc Lắc
|
Trên thế giới, cây trồng biến đổi gen hiện là lựa chọn của 18 triệu nông dân trong canh tác nông nghiệp ở 29 nước trên thế giới. Đồng thời 61 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm. Trong 17 năm qua, diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen tăng gấp hơn 100 lần, từ 1,7 triệu hécta vào năm 1996 đã tăng lên 175 triệu hecta vào năm 2013.
Tại Việt Nam, theo “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, nước ta hướng tới đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất đến năm 2015 và đến năm 2020 sẽ phát triển từ 30 - 50% các giống cây trồng biến đổi gen trong trồng trọt. Đến nay, đã có hơn 600 công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố chứng minh trong nước về tính vô hại của sinh vật biến đổi gen, trong khi chưa có nghiên cứu khoa học về nguy cơ không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Mới đây, ngày 11/8/2014, Bộ NN&PTNT đã có quyết định công nhận 4 sự kiện chuyển gen đối với các giống ngô biến đổi gen đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi.