Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 27/9, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9, trong đó tập trung phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước những tháng cuối năm.

Nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm có thể cao hơn những tháng đầu năm. Giải pháp nào cho bài toán ổn định kinh tế vĩ mô cũng là vấn đề được nhiều phóng viên đề cập đến trong buổi họp báo diễn ra chiều cùng ngày.

Quyết liệt các giải pháp đã giúp GDP đạt 5,35%

Tuy tốc độ tăng GDP quý III/2012 ước khoảng 5,35%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, song theo đánh giá của các thành viên Chính phủ, mức tăng này là sự cố gắng lớn trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm có xu hướng cải thiện sau từng quý (GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III ước tăng 5,35%). Tính chung GDP 9 tháng qua ước đạt 4,73%. Kết quả này có được một phần do chính sách tiền tệ, tín dụng được điều hành một cách chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp hài hoà với chính sách tài khoá, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, bằng nhiều biện pháp của các cấp, các ngành, địa phương, tình hình sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến biến tích cực qua từng tháng, tồn kho có xu hướng giảm dần. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm 2012 tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011...

Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại, tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng; tình trạng nợ xấu ngân hàng chậm được giải quyết; thị trường tài chính, tiền tệ còn phức tạp; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm…

Không để lạm phát ở mức 2 con số

Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là giải pháp được nhiều thành viên Chính phủ đề cập đến trong điều hành kinh tế những tháng cuối năm. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, một trong những giải pháp được đưa ra tại phiên họp lần này là tập trung mạnh vào xử lý dứt điểm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại. Việc theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ để có các biện pháp kịp thời, phù hợp việc đảm bảo tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Đề cập tới vấn đề về giá, đặc biệt là giá, phí một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường là cần thiết, song trước khi điều chỉnh cần cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm, lường trước những tác động về kinh tế, xã hội sau khi điều chỉnh. Ngoài ra, một số thành viên Chính phủ đề xuất cần lưu ý tới tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo; kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu gắn với chống gian lận hàng hoá, hàng giả, hàng kém chất lượng trong những tháng cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đó cũng là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ, trong chỉ đạo kết luận, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung quyết liệt nhằm thực hiện bằng được mục tiêu không để lạm phát ở mức 2 con số; kiểm soát lạm phát không chỉ cho năm nay mà còn cho những năm tiếp theo.

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về Báo cáo giải pháp thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 37/NQ-CP và một số dự án Luật.