Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm kinh tế tuần: Chủ tịch PVN điều chuyển về Bộ Công Thương

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Quốc Khánh sẽ chính thức thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN để chuyển về công tác tại Bộ Công Thương.

Tổng giám đốc PVN tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐTV
Vào ngày 9/3 vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ và đại diện Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã có buổi làm việc với tập thể Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc và cán bộ chủ chốt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để công bố Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ông Nguyễn Quốc Khánh thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV PVN để nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương. Nhiệm vụ cụ thể của ông Khánh do Bộ trưởng Bộ Công Thương phân công. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày kí.
 Ông Nguyễn Quốc Khánh giữ chức Chủ tịch PVN
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 2095/ VPCP-TCCB thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đồng chí Nguyễn Vũ Trường Sơn, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc PVN tạm thời kiêm thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch HĐTV PVN cho tới khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định bổ nhiệm nhân sự mới giữ chức Chủ tịch HĐTV của PVN.
Phía Bộ Công Thương đã tiếp nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sẽ có sự bàn bạc, thảo luận về phân công nhiệm vụ cho ông Nguyễn Quốc Khánh khi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bí thư Ban cán sự đảng trở về từ chuyến công tác nước ngoài. Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiện toàn nhân sự Chủ tịch HĐTV của PVN.
4 doanh nghiệp đóng cửa trong vòng 1 tuần
Trong 1 tuần trở lại đây, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã đưa ra thông báo về việc chấm dứt và tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp của 4 doanh nghiệp khác nhau.
Cụ thể, Công ty TNHH My Fortuna có trụ sở chính tại 37/M2 khu đô thị Yên Hòa (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc từ ngày 12/2 vừa qua với lý do thay đổi phương thức kinh doanh.
 
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế có trụ sở chính tại Khu 3, Thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, Hà Nội) xin ngừng kinh doanh từ ngày 20/2 do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, không thu được lợi nhuận.
Còn công ty G10 có trụ sở chính và địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp tại số 4, ngõ 86/16 phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xin ngừng hoạt động từ 20/2/2017. Lý do tạm ngừng hoạt động là để công ty cơ cấu, tổ chức lại hoạt động kinh doanh.
Về phía Gano Excel Việt Nam sẽ tạm ngừng hoạt động từ 17/1/2017 với lý do nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thuê văn phòng. Công ty này có địa chỉ tại lầu 3, tòa nhà Lữ Gia Plaza, 70 Lữ Gia, phường 15 (Quận 11, TP Hồ Chí Minh).
Tập đoàn BMW làm việc với Bộ Tài chính về sai phạm nhập khẩu xe của Euro Auto
Tuần qua, Bộ Tài chính đã đưa ra thông báo kết quả làm việc với Tập đoàn BMW (Đức) quanh về các sai phạm có liên quan tới Công ty CP Ô tô Âu Châu (Euro Auto) - doanh nghiệp nhập khẩu chính thức BMW ở Việt Nam.
 
Phía BMW khẳng định, một số chứng cứ của Euro Auto đưa ra khi làm thủ tục hải quan không phải do Tập đoàn này phát hành. Đồng thời phía BMW cũng cam kết, trong quá trình điều tra sẽ phối hợp với hải quan Việt Nam cũng như thông tin đến Chính phủ, các cơ quan ngoại giao, cơ quan báo chí và Hiệp hội ô tô Châu Âu về bản chất sự việc.
Bên cạnh đó, Tập đoàn BMW cũng thừa nhận Bộ Tài chính không phân biệt đối xử, không cản trở và tạo điều kiện cho Tập đoàn này kinh doanh tại Việt Nam.
Trước đó, vào cuối năm 2016, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tạm dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu xe ô tô BMW. Tới cuối tháng 12/2016, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định số 18/QĐ- ĐTCBL khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại Euro Auto.
Xuất nhập khẩu tăng gấp 4 lần sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO
Theo một báo cáo mới đây về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2016, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết đến hết năm 2016 là đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, vượt mốc 350 tỷ USD.
 
Cụ thể, cách đây 10 năm tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước chỉ khoảng 84,7 tỷ USD, hết tháng 12/2007, đạt 100 tỷ USD; 5 năm sau cán mốc 200 tỷ USD và hết tháng 12/2015 cán mốc 300 tỷ USD. Tính đến hết năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 350,74 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm 2006.
Tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu lần lượt qua các năm 2006 - 2007, gấp 1,2 lần, từ năm 2007 - 2012 gấp 2 lần, từ 2012 đến 2015 gấp 1,5 lần và từ 2015 - 2016 gấp 1,16 lần. Tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu giai đoạn 2006 - 2007 chỉ tăng 1,2 lần, giai đoạn 2015 - 2016 tăng 1,16 lần, dù thấp hơn so với các giai đoạn trước đó, nhưng đây là 2 năm cách nhau liên tiếp, do đó đạt được tốc độ tăng gấp hơn 1 lần so với trước đã là tốc độ tăng cao so với các giai đoạn trước đó.
Về đối tác thương mại, trong năm 2016, Việt Nam có 28 thị trường xuất khẩu (đạt trị giá 160,6 tỷ USD) và 21 thị trường nhập khẩu (đạt kim ngạch 159,3 tỷ USD) có kim ngạch 1 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu trên 1 tỷ USD từ 7 thị trường, trong đó có 6 thị trường là ở châu Á, nhập siêu lớn nhất là từ Trung Quốc với 28 tỷ USD, nhập siêu từ Malaysia 1,78 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với năm 2015. Ngược lại, Hoa Kỳ là thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam với kim ngạch đạt 29,75 tỷ USD, tăng 16%, tiếp sau là Hà Lan, Hồng Kông...