Lần đầu tiên Hà Nội vào nhóm chất lượng điều hành tốt
Tuần qua, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt và ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố. Vị trí này cải thiện 10 bậc so với bảng xếp hạng PCI năm ngoái.
49% doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết “cán bộ Nhà nước thân thiện trong giải quyết thủ tục hành chính”, tăng 13% so với một năm trước đó. Tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng giảm từ 78% xuống còn 69%.
Đà Nẵng lần thứ tư liên tiếp trụ vững ngôi đầu bảng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi PCI được công bố. Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ hai với 65,60 điểm, kế tiếp là Đồng Tháp 64,96 điểm.
Bộ Tài chính lên tiếng về tài sản "khủng" của Thứ trưởng Kim Thoa
Trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh khối tài sản "khủng" của Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang tại phiên họp báo chuyên đề diễn ra chiều 16/3, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trước đây đúng là có việc ưu tiên bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo thỏa thuận từ trước. Tuy nhiên, từ năm 2015, việc lãnh đạo DNNN và người nhà trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp như trường hợp gia đình Thứ trưởng Thoa đã không còn.
Liên quan tới việc một số người thân của thứ trưởng Thoa sở hữu một số lượng lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ông Đặng Quyết Tiến lý giải: “Việc lãnh đạo của doanh nghiệp không trực tiếp mua cổ phần nhưng con cháu của họ lại tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp, điều này luật không cấm. Con cháu họ hoàn toàn có thể bỏ tiền túi để mua. Nhưng nếu là cán bộ Nhà nước, cần phải công khai thông tin, tiền lương, thu nhập. Ví dụ, thu nhập chỉ có 100 triệu đồng mà sau một năm sở hữu khối tài sản tới hàng chục tỉ thì không được”.
Theo đại diện Bộ Tài chính, trước đây đúng là có việc ưu tiên bán cổ phần DNNN theo thỏa thuận từ trước. Nhưng kể từ năm 2015, để đảm bảo tính minh bạch khi thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp (DN), đã có quy định không được bán thỏa thuận trước mà phải đấu giá công khai trước, sau đó chào cạnh tranh (đấu giá theo điều kiện).
Bỏ quy định gây tranh cãi, nới lỏng điều kiện nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 04/2017/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Như vậy thương nhân nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ sẽ không phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện khỏi danh mục giấy tờ bắt buộc khi làm thủ tục nhập khẩu.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhiều lần phản ánh, quy định tại Thông tư số 20 yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng là “điều kiện kinh doanh”, không phải thủ tục hành chính và như vậy phải hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Bộ Công Thương cần tuyên bố hết hiệu lực Thông tư này để doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu.