Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm kinh tế tuần: Vinastas phải quy rõ trách nhiệm cá nhân vụ khảo sát nước mắm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là yêu cầu mới nhất từ Bộ Công thương dành cho Vinastas và Hội này phải báo cáo kết quả trước 20/4 tới.

Phải kiểm điểm cá nhân Chủ tịch Vinastas
Mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Vinastas về việc yêu cầu báo cáo kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với các cá nhân trong vụ công bố kết quả cuộc khảo sát nước mắm vào tháng 10/2016 do Hội này tổ chức. Báo cáo này phải gửi về Bộ trước 20/4 tới.
 
Đáng chú ý, Bộ Công thương đã đặc biệt lưu ý tới việc kiểm điểm đối với cá nhân Chủ tịch Vinastas - Đoàn Phương. Trước đó vào tháng 12/2016, Vinastas đã phải đăng thông báo cải chính một số thông tin về kết quả khảo sát nước mắm đầy tai tiếng này. Đồng thời Hội cũng gỡ bỏ bài viết “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” được đăng trên website của mình khi cho rằng đây là không chính xác.
Cũng liên quan tới vụ khảo sát nước mắm này, đã có 50 cơ quan báo chí bị xử phạt vì đăng tải thông tin sai sự thật từ Vinastas. Trong đó báo Thanh Niên bị phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến 200 triệu đồng.
Novaland rút không tham gia tái cơ cấu Sacombank
Tuần qua, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland Group khẳng định thông tin tập đoàn này đã xin rút không tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank. Cụ thể, ông Nhơn lý giải, việc tham gia tái cơ cấu Sacombank là một việc rất khó, rất phức tạp và sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc; cần sự minh bạch, cần sự quyết tâm của toàn đội ngũ và phải được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
 
“Trong thời gian chờ đợi sự phê duyệt, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều gây bất lợi cho chúng tôi”, ông Bùi Thành Nhơn cho hay. “Với phương châm kinh doanh trung thực - minh bạch - thượng tôn pháp luật, chúng tôi cho rằng việc chung tay giúp sức với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tái cơ cấu Sacombank tuyệt đối không nên là một cuộc cạnh tranh để giành lợi ích ngắn hạn. Sacombank muốn phục hồi phải cần sự đồng lòng hỗ trợ của cả hệ thống”, ông Chủ tịch khuyến nghị.
Vậy nên, Chủ tịch Novagroup cho rằng, do nhận thấy có nhiều yếu tố khó khăn xuất hiện, nên tập đoàn đã xin phép được thu hồi lại đề xuất tham gia tái cơ cấu Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước trước đó.
Trước đó, vào ngày 16/12/2016, Novaland đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank. Trong đó, tập đoàn này đã đề xuất được mua 20% cổ phần của Sacombank tương đương 360,7 triệu cổ phiếu.
Bán hàng trên mạng Internet phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế
Mới đây, khi nói về việc thu thuế đối với những người bán hàng qua mạng internet, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng người kinh doanh, bán hàng trên mạng Internet phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế.
 
Ông Tuyến nhìn nhận rằng: “Phải xác định rõ kinh doanh là những người buôn bán chuyên nghiệp. Còn những người tạm thời bán những sản phẩm, vật dụng dư thừa không xài thì có phải đăng ký kinh doanh không? Cái này pháp luật phải quy định rõ ràng. Còn nguyên tắc chung anh là người kinh doanh thì phải đăng ký kinh doanh. Còn đóng như thế nào thì tùy hình thức, pháp luật đã quy định rõ”.
Về việc thu thuế đối với người bán hàng qua mạng, qua Facebook, ông Tuyến cho biết Cục Thuế TP sẽ tham mưu cho UBND TP nội dung cụ thể. Theo ông, đây là vấn đề mới nên phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng. Cơ quan quản lý Nhà nước phải có những quy định cho phù hợp để hướng dẫn người dân, người kinh doanh thực hiện đúng quy định chứ không thể vội vàng kết luận, quy chụp: “Người ta không đăng ký kinh doanh, không chịu đóng thuế”.
Từ kiến nghị của Sở Công Thương TP về việc tìm cơ chế để thu thuế hoạt động kinh doanh trên Facebook, Cục Thuế TP đang hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch phối hợp với các sở ban ngành nhằm gia tăng tính hiệu quả trong quản lý thuế đối với loại hình này. Kế hoạch sẽ được báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh để sớm triển khai.
Thái Lan độc chiếm xuất khẩu xe bán tải vào Việt Nam
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/3/2017 cả nước nhập khẩu 3.900 chiếc xe bán tải nguyên chiếc (pickup), trị giá 76 triệu USD, tăng nhẹ 0,8% về lượng, giảm nhẹ 1,7% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016. Trong năm 2017, xe bán tải được nhập về Việt Nam có mức giá bình quân theo khai báo hơn 19 nghìn USD/chiếc (hơn 430 triệu đồng).
 
Về thị trường, từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2017, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận xe bán tải được nhập chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với gần 3.900 chiếc chiếm 99,6% trong tổng lượng xe bán tải nhập khẩu của cả nước. Ngược về năm 2016 xe bán tải có xuất xứ Thái Lan chiếm chủ yếu với 26.800 chiếc, chiếm 99,9%; trong năm 2015 là 19,4 nghìn chiếc, chiếm 99,99%.
Nguyên nhân bắt nguồn từ ngành công nghiệp xe hơi của Thái Lan đã lấy dòng xe bán tải là dòng xe chủ lực, xe chiến lược để xây dựng nền sản xuất, lắp ráp xe hơi lớn mạnh. Hiện, hầu hết các dòng xe bán tải của các hãng ở Thái Lan đạt tỷ lệ nội địa hoá từ 40% - 70% do mạng lưới các nhà cung cấp linh phụ kiện doanh nghiệp Thái phát triển mạnh trong hơn 20 năm qua.
Thời gian gần đây, xe bán tải nhập về Việt Nam với số lượng lớn bởi dòng xe đa dụng vừa chở người, vừa chở được hàng, phù hợp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu dòng xe này đang được ưu đãi lớn nên cạnh tranh cao với nhiều dòng xe khác.