Theo thống kê sáng 5/11 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, bão số 12 khiến 27 người thiệt mạng, 22 người mất tích, 529 nhà bị đổ sập, 25.495 nhà tốc mái và hư hỏng.
Trong số những người chết, Bình Định: 3 người, Khánh Hòa: 16 người, Lâm Đồng: 3 người, Đắk Lắk: 1 người và 4 người gặp sự cố vận tải. Về số người mất tích, Bình Định: 4 người, Phú Yên: 1 người và 17 người do sự cố vận tải.
Thủ tướng cũng đã có Công điện về tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên, ngư dân bị nạn do ảnh hưởng của cơ bão số 12 trên vùng biển miền Trung, trong đó có các thuyền viên của các tàu bị nạn tại vùng biển Quy Nhơn (Bình Định). Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê các phương tiện và người còn đang bị nạn trên biển để tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, kịp thời.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn trung ương, từ sáng sớm 5/11, từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to lượng mưa phổ biến từ 30-100 mm. Cơ quan khí tượng cảnh báo trong 6-12 giờ tới, khu vực này tiếp tục có mưa rất to và nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các điểm huyện Phú Lộc, Hương Trà (Thừa Thiên Huế), huyện Hiệp Đức, Núi Thành, Phước Sơn (Quảng Nam), Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Bình Sơn (Quảng Ngãi) và huyện Hoài Nhơn, An Lão (Bình Định).
Nhiều điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Tuần qua, Quốc hội đã tiến Thành thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 -2020.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Chính sách tiền tệ được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Nhờ đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến.
Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%.
Công tác chống thất thu ngân sách nhà nước, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế được chú trọng; tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu ngân sách nhà nước tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường; từng bước chấn chỉnh sai phạm trong sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm...
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 Việt Nam sẽ đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ trong thời gian qua và cho rằng, Chính phủ đã có chiến lược và hướng điều hành hết sức đúng đắn, mạnh mẽ, chắc chắn, cách mạng và thận trọng.
Trong các buổi họp tiếp theo, các đại biểu cũng đã tiến hành chất vấn những vấn đề kinh tế - xã hội còn tộn đọng và nhận được giải trình từ thành viên Chính phủ như Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT …
Phúc thẩm VN Pharma: Tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại
Sáng 30/10, HĐXX phiên phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (VN Pharma).
Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm |
Mặc dù trước đó, tại bản án sơ thẩm ngày 25/8, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt nhóm tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” đối với các bị cáo nhưng với sự bức xúc của dư luận nhân dân cho rằng bản án sơ thẩm xử sai tội danh; VN Pharma có nhiều khuất tất trong việc nhập thuốc; trách nhiệm của Cục quản lý dược (Bộ Y tế) như thế nào trong việc thẩm định và cấp phép cho nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với 7 loại thuốc do VN Pharma nhập về trước khi xảy ra vụ án. Thời gian thanh tra 4 tháng và báo cáo kết quả cho Thủ tướng trước ngày 31/12/2017.
Đến ngày 22/9, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ra kháng nghị với đề nghị TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh khi xử phúc thẩm cần tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Kháng nghị nhận định bản án sơ thẩm chưa phản ánh đúng bản chất, chưa làm rõ nhiều vấn đề, có dấu hiệu bỏ sót tội. Vì mục đích lợi nhuận, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Bị cáo Hùng thông qua bị cáo Cường mua lô thuốc H-Capita 500mg Caplet không rõ nguồn gốc, dùng thủ đoạn tinh vi tạo ra hàng loạt hồ sơ giả, con dấu giả, làm giả hóa đơn thương mại, ký giả chữ ký của tham tán đại sứ Việt Nam tại Canada…, để nhập thuốc.
Kháng nghị cũng khẳng định trong quá trình thẩm định, cấp phép lô thuốc H-Capita 500mg Caplet nhập vào Việt Nam đã xảy ra nhiều sai phạm. Trong kết luận của Bộ Y tế cũng có nhiều mâu thuẫn, cho rằng thuốc không được sử dụng cho người, nhưng lại không kết luận đó là thuốc giả mà chỉ cho rằng lô thuốc H-Capita 500mg Caplet là thuốc kém chất lượng! Kháng nghị cũng đề nghị điều tra trách nhiệm của các chuyên gia Cục Quản lý dược liên quan việc thẩm định hồ sơ, cấp phép cho nhập lô thuốc. Việc Công ty Austin (Hong Kong) đã hết hạn hoạt động, nhưng vẫn có 3 chuyên gia ký duyệt. Điều tra việc Cục trưởng Cục quản lý dược thiếu trách nhiệm khi ký duyệt nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg Caplet. Vì ngoài lô thuốc này bị phát hiện là giả, còn 7 hồ sơ của các loại thuốc khác cũng được Cục trưởng Cục quản lý dược (thời điểm xảy ra vụ án - PV) ký công văn cho phép nhập và đây là vi phạm nghiêm trọng.
HĐND góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 4/11, tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ ba, nhiệm kỳ 2016 - 2021, lãnh đạo HĐND các tỉnh, TP đã trao đổi, đưa ra những kinh nghiệm, giải pháp trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả chức năng quyết định của HĐND.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thay mặt Thường trực HĐND TP Hà Nội trao cờ đăng cai Hội nghị lần thứ 4 cho Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, đại diện Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh, đơn vị đăng cai Hội nghị lần thứ 4. |
Nhấn mạnh đến những nét đổi mới của HĐND các tỉnh, TP từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trưởng Ban công tác đại biểu (UBTV Quốc hội) Trần Văn Túy nhận định: HĐND đã lựa chọn đúng và quyết định nhiều vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Các vấn đề quan trọng được quyết định tại kỳ họp là cơ sở, định hướng quan trọng để các địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong đời sống xã hội ở địa phương, tạo tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND vẫn còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc từ quy định pháp luật như thẩm quyền của Thường trực trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: HĐND các tỉnh, TP đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, cụ thể hóa các chính sách, đáp ứng yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục rút kinh nghiệm. Trong đó, việc quyết định các chủ trương lớn cần bám sát điều kiện thực tế, phân tích điểm mạnh, yếu, để Nghị quyết đảm bảo tính khả thi. Lưu ý việc đánh giá tác động, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động của vấn đề được quyết định. Các Nghị quyết phải đảm bảo ban hành đúng quy trình, đúng quy định. Các ĐB cũng cần thường xuyên tiếp xúc cử tri, nắm vững ý kiến, nguyện vọng của cử tri để phục vụ cho việc quyết định các vấn đề tại kỳ họp; nâng cao kỹ năng hoạt động của ĐB HĐND...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực HĐND tăng việc giám sát việc thực hiện các Nghị quyết; phát hiện kịp thời những vướng mắc để đưa ra hướng giải quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận những kiến nghị của các địa phương và khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đầy đủ để giúp nâng chất lượng hoạt động của HĐND.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thay mặt Thường trực HĐND TP Hà Nội trao cờ đăng cai Hội nghị lần thứ 4 cho Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, đại diện Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh, đơn vị đăng cai Hội nghị lần thứ 4.