Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiêu điểm tuần] Dịch tả lợn lan rộng, hàng trăm trẻ xếp hàng xét nghiệm sán lợn

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù mới bước sang tháng thứ 2 (Âm lịch) năm Kỷ Hợi chưa bao lâu thì trong 2 tuần qua, những thông tin về dịch tả lợn châu Phi, bệnh sán lợn thu hút sự chú ý quan tâm đặc biệt của dư luận vì những tác động trực tiếp tới đời sống xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 32
Chiều 13/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32 sau 3 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, hoàn thành chương trình đề ra.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Thư viện; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết về việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết để kịp gửi đại biểu Quốc hội đúng quy định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4; đồng thời, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết để ban hành.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vừa qua, do cơ quan trình không kịp chuẩn bị nên phải rút 05 nội dung ra khỏi phiên họp này. Vì vậy, phiên họp tháng 4 phải xem xét rất nhiều nội dung và tiến hành trong thời gian khá dài (từ 10 - 19/4). Trong khi đó, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 1,5 ngày (ngày 4 và sáng 5/4), chỉ cách thời điểm khai mạc phiên họp tháng 4 chưa đến 1 tuần.
Do đó, việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý một số dự án luật là rất gấp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm, không để tình trạng chậm gửi tài liệu hoặc đề nghị chuyển sang phiên họp tháng 5. Bởi Phiên họp tháng 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sát với kỳ họp thứ 7 của Quốc hội với thời gian họp rất hạn chế, nội dung phiên họp chủ yếu tập trung rà soát các công việc chuẩn bị cho kỳ họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Tạo bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ
Chiều 12/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã dự lễ khai trương Trục Liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử do Văn phòng Chính phủ tổ chức.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, các cán bộ, chuyên viên Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, bộ phận văn thư Văn phòng Chính phủ đã thực hiện quy trình trình ký, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Cổng dịch vụ công quốc gia trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng qua Trục liên thông.
Sau khi văn bản được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký bằng chữ ký số, văn thư Văn phòng Chính phủ thực hiện quy trình phát hành văn bản, ngay trước sự chứng kiến của các đại biểu trong buổi lễ được truyền hình trực tiếp, đại diện các địa phương, lãnh đạo tỉnh Nam Định, Sóc Trăng cho biết đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và giao các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.
Theo Thủ tướng, bước đầu việc kết nối, liên thông phần mềm, thử nghiệm Trục liên thông văn bản quốc gia đã được diễn ra thuận lợi, an toàn và đạt kết quả tốt.
Trục liên thông văn bản quốc gia không chỉ tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian xử lý văn bản và tiến tới loại bỏ tình trạng “ngâm hồ sơ”, giúp lãnh đạo cơ quan biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc trên hệ thống, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Hàng nghìn phụ huynh chen chúc đưa con mình đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng T.Ư để làm xét nghiệm trong ngày 16/3. Ảnh: Ngọc Tú.

Hàng trăm trẻ Bắc Ninh đi xét nghiệm sán lợn
Sự kiện được dư luận xã hội chú ý nhiều nhất trong tuần là vụ học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh.
Theo đó, cách đây 1 tháng, một số phụ huynh đăng video lên mạng ghi lại món thịt lợn có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Đến trưa 5/3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh, đã bốc mùi hôi thối. Sự việc diễn ra khi nghi án đồ ăn của trường có sán còn chưa được giải quyết. Cơ quan công an đã lập biên bản sự việc, niêm phong toàn bộ số thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm.
Được biết, đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 xã (21 trường học) trên địa bàn huyện Thuận Thành là Công ty Hương Thành.
Lo lắng cho con trẻ, trong những ngày qua, hàng nghìn gia đình đã đưa con từ Bắc Ninh đổ xô về các bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm sán dây lợn và phát hiện hàng trăm trường hợp dương tính với sán lợn.
Tối 17/3, thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, hiện BV đang huy động toàn lực để có kết quả xét nghiệm cho gần 600 trẻ Bắc Ninh. Đánh giá sơ bộ, tỷ lệ trẻ dương tính với ký sinh trùng sán lợn dao động trung bình khoảng từ 10 -15% tuỳ thuộc các xã khác nhau.
BV sẽ tiếp tục xét nghiệm, đối chiếu các mẫu với nhóm ký sinh trùng giun sán thứ 3 để đánh giá khả năng dương tính chéo giữa các loại ký sinh trùng trước khi đưa ra kết quả xét nghiệm chính xác cuối cùng.
Đoàn công tác Bộ NN&PTNT kiểm tra thị sát ổ dịch tả lợn châu Phi tại Quế Võ. Ảnh: Trần Hoa.
Dịch tả lợn châu Phi lan ra 18 địa phương
Ngày 17/3, theo thông báo mới nhất của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã lây lan thêm tỉnh Lạng Sơn và Bắc Ninh, nâng số tỉnh, TP có dịch lên 18, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn và Bắc Ninh.
Tại tỉnh Bắc Ninh, trong 2 ngày 13, 14/3, ổ dịch lợn tả châu Phi được xác định tại hộ 1 hộ dân thuộc thôn Công Cối (xã Đại Xuân, huyện Quế Võ) và 2 hộ thuộc thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong) với tổng đàn lợn của các hộ chăn nuôi là 94 con.
Hiện các cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, thực hiện các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, hướng dẫn các hộ có dịch thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột và hóa chất thường xuyên; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để người dân nắm bắt và chủ động phòng, chống.
Trước đó, UBND huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã ký quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi tại thôn Nà Lùng, xã Xuân Mãn.
Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, sớm kiểm soát được bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền cơ sở, tập trung tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn cảnh mini qua biên giới; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép lợn cảnh mini không rõ nguồn gốc, nhập lậu.
Dừng công bố dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm
Sau khi Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về nước mắm có nhiều ý kiến từ các bên liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định tạm dừng dự thảo này để lấy thêm ý kiến đóng góp.
Sáng 12/3, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết sẽ dừng công bố dự thảo để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội... bằng văn bản hoặc đối thoại, hội thảo... Việc xin ý kiến tiếp nhằm đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất kinh doanh nước mắm.
Theo lý giải của Thứ trưởng, một bộ tiêu chuẩn quốc gia, quy phạm thực hành sản phẩm trong một lĩnh vực nào đó sẽ liên quan đến vài bộ, ngành. Song khi đưa vào cuộc sống đều phải đảm bảo ba nguyên tắc.
Thứ nhất là phải phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam ở từng giai đoạn. Ví dụ, có giai đoạn thì chất lượng đối với sản phẩm xăng dầu không được quan tâm nhưng hiện nay lại được quản lý rất chặt chẽ; Thứ hai, mỗi bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo sự đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Đây là nguyên tắc không phải ngoại lệ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới; Thứ ba, là phải đảm bảo sự hài hoà lợi ích của các bên liên quan.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều khi dự thảo tiêu chuẩn với nước mắm được công bố. "Việc xây dựng một tiêu chuẩn với mỗi sản phẩm rất khó khăn. Khi nhận được những ý kiến phản ánh trái chiều cần lại xem lại bởi các 'điều kiện cần' như trên không đảm bảo", Thứ trưởng nói.
Ảnh minh họa
Kiểm tra việc thu phí tại 11 trạm BOT
Trước những tranh cãi xung quanh các trạm BOT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Cục Quản lý Đường bộ I, III, IV lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thu phí tại các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ và cao tốc. Việc kiểm tra, giám sát phải hoàn thành trong quý II và báo cáo kết quả về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Cục Quản lý Đường bộ I lập kế hoạch kiểm tra, giám sát các trạm thu phí: Phả Lại, Km231890, Quốc lộ 18; Tam Nông, Km67+300, Quốc lộ 32, tỉnh Phú Thọ; cầu Thái Hà; Tiên Cựu, Km41, Quốc lộ 10 và trạm thu phí Km11+625, Quốc lộ 38.
Cục Quản lý Đường bộ III lập kế hoạch kiểm tra, giám sát: Trạm thu phí Km1807+500, đường Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Nông; trạm thu phí Km1747, đường Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Lắk.
Cục Quản lý Đường bộ IV lập kế hoạch kiểm tra, giám sát các trạm: Cầu Rạch Miễu; cầu Cổ Chiên; cầu Mỹ Lợi và trạm thu phí Km1661+600, tỉnh Bình Thuận.
Liên quan đến nội dung này, Cục Quản lý Đường bộ IV cũng vừa có quyết định kiểm tra, giám sát đối với trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cầu Rạch Miễu (Quốc lộ 60 thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre) do Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu quản lý và khai thác.
Trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ 12/3, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra, giám sát công tác thu và doanh thu đối với trạm trên; lập biên bản, kiến nghị xử lý theo quy định.
3 bị can trong vụ án
Xét lại tốt nghiệp 77 thí sinh liên quan gian lận điểm thi ở Hòa Bình
Ngày 12/3, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cập nhật kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý để rà soát xét lại tốt nghiệp.
Ông Mai Văn Trinh thông tin, theo quy chế thi, kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả chính thức của kỳ thi THPT quốc gia nên sẽ thay thế cho kết quả đã công bố trước đây. Kết quả chấm thẩm định được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng 2018.
Trước đó, cơ quan công an đã công bố kết luận điều tra trong vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình. Qua điều tra đã phát hiện 210 bài thi của 77 thí sinh có dấu hiệu bị nâng điểm.
Cơ quan công an đã đề nghị VKSND tối cao truy tố 3 người liên quan về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị can gồm Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng Giáo dục).
Việc chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc ra 2018 diễn ra từ 29/6 đến 9/7/2018. Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn, nhằm lúc đêm tối, sử dụng chìa khóa do Nguyễn Quang Vinh cung cấp để vào phòng chỉnh sửa đáp án theo danh sách đã tập hợp sẵn.
Hai bị can dùng dao rọc mép gấp niêm phong để lấy bài thi trước khi tẩy sửa đáp án. Khi hoàn tất việc sửa điểm, họ cho bài thi vào túi rồi dùng ghim hoặc phết hồ dán lên tờ niêm phong bài thi. Một số thí sinh có bài thi đã scan lên máy tính, Đỗ Mạnh Tuấn scan lại rồi copy đè lên file lưu trước đó.
Trong số 3 người bị khởi tố, riêng Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi 550 triệu đồng từ việc chỉnh sửa bài thi THPT. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cho thấy các bài thi trên được nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm.
Hiện trường vụ tai nạn.
Sập tường nhà xưởng khiến 6 công nhân tử vong
Vụ tai nạn lao động xảy ra khoảng 10h sáng 15/3, khi các công nhân đang tham gia xây dựng nhà xưởng tại Công ty TNHH Bo Hsing (thuộc khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) thì bất ngờ bức tường tại nhà xưởng đổ sập.
Cơ quan chức năng cho biết bức tường bị sập có chiều dài 34,5m, chiều cao cao nhất là 17,5m, chiều cao thấp nhất là 5,5m. Bức tường sập trong lúc có hàng chục công nhân đang thi công.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các lực lượng chức năng tích cực tham gia công tác cứu hộ vụ tai nạn.
Danh tính các nạn nhân gồm: 6 người tử vong là Ngô Thanh Bình (43 tuổi, ngụ xã Trường An, thành phố Vĩnh Long, Vĩnh Long); Võ Văn Thao (48 tuổi, ngụ xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long); Hồ Tân Lập (19 tuổi, ngụ xã Phú Quới, huyện Long Hồ); Trịnh Văn Thế (52 tuổi, ngụ xã Hòa Phú, huyện Long Hồ); Lưu Thị Đào (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình); Nguyễn Quốc Ái (36 tuổi, ngụ xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình).
Trong khi đó nạn nhân Nguyễn Hữu Thọ (46 tuổi, ngụ xã Trường An, thành phố Vĩnh Long) và Nguyễn Văn Dũng (49 tuổi, ngụ xã Phú Quới, huyện Long Hồ) đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.