Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Đình chỉ một loạt cán bộ đi lễ giờ hành chính

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đình chỉ một loạt cán bộ đi lễ giờ hành chính; rà soát lại 94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư có đơn tố cáo và phản ánh về hồ sơ; dừng trạm BOT nếu không thu phí tự động... là nội dung chú ý tuần qua.

Đình chỉ một loạt cán bộ đi lễ giờ hành chính
 Đình chỉ một loạt cán bộ đi lễ chùa giờ hành chính. Ảnh minh họa
Ngày 26/2, có 7 người là lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định đi lễ tại Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Ngày 28/2, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng liên quan đến phản ánh về một số công chức Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định - tỉnh Nam Định đi lễ chùa trong giờ hành chính.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định việc công chức đi lễ trong giờ hành chính là vi phạm nghiêm trọng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân đã có vi phạm nêu trên theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đồng thời phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Nam Định và các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh để xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với các đơn vị, cá nhân có vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, ngay trong ngày 28/2, Kho bạc Nhà nước đã có báo cáo. Theo đó cho biết, ngày 26/2/2018 vào khoảng 10 giờ có 7 người là lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định đi lễ tại Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Kho bạc Nhà nước đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Nam Định thực hiện việc đình chỉ công tác ngay đối với các trường hợp lãnh đạo và công chức đi lễ trong giờ hành chính; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý về mặt chính quyền, đồng thời phối hợp với cấp ủy đảng ở địa phương xử lý kỷ luật đảng đối với tập thể, cá nhân người đứng đầu đơn vị đã không chấp hành văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính và KBNN.
Cũng có chung vi phạm trên, ông Nguyễn Hữu Nghị Giám đốc công ty Điện lực huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) bị phản ánh đi lễ trong giờ hành chính vào ngày 26/2. Phía Công ty điện lực Hà Nam cũng đã ra quyết định kỷ luật khiển trách, miễn nhiệm chức vụ Giám đốc điện lực Bình Lục đối với ông Nguyễn Hữu Nghị.
Quyết định cũng điều động Nghị đi làm Quản đốc phân xưởng xây lắp sửa chữa điện (thuộc Công ty Điện lực Hà Nam ) trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 5/3.
Ngoài ra, các ông Nguyễn Đức Dũng và Lại Quang Huy, là 2 Phó Giám đốc điện lực Bình Lục; ông Trần Đức Quân, Phó phòng Kỹ thuật; ông Nguyễn Thiếu Lăng, Trưởng phòng Kinh doanh; ông Phạm Văn Đạt, Đội trưởng Đội quản lý tổng hợp hạ thế Bồ Đề; Nguyễn Thanh Xuân, Đội trưởng Đội quản lý tổng hợp trung gian; ông Nguyễn Công Hoan, Đội trưởng Đội quản lý tổng hợp cao thế (thuộc Điện lực Bình Lục), cùng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Rà soát lại 94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư có đơn tố cáo và phản ánh về hồ sơ

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu làm rõ thêm những vấn đề dư luận quan tâm

Ngày 1/3, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Thứ tưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng đã làm rõ những vấn đề liên quan đến việc ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 tăng đột biến so với những năm trước.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, việc xét chức danh GS, PGS năm 2017 là việc làm thường niên. Ông Hùng cũng nhận định số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 tăng nhiều so với năm trước.
Tại buổi họp báo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức báo cáo Thủ tướng kết quả bước đầu rà soát 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được công nhận. Qua rà soát cho thấy, có những ứng viên chưa đủ đề tài, bài báo, chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học.
“Trong số đó Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước báo cáo Thủ tướng trước mắt có 94 ứng viên cần xem xét lại vì có đơn thư tố cáo và hồ sơ cần xác minh thêm”, ông Mai Tiến Dũng nói và cho biết, Hội đồng chức danh giáo sư đang tiếp tục đánh giá, rà soát lại những ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho hay, quan điểm của Thủ tướng là làm nghiêm túc vấn đề này, từ đó đánh giá thực chất các ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS.
“Ngay cả các ứng viên đủ giờ giảng, thì giảng ở đâu, giáo trình nào, hợp đồng giảng dạy thế nào hợp đồng thế nào, có chi tiền hay không chi tiền cũng phải nêu rõ. Chứ không phải giảng là viết cái giấy ủng hộ nhà trường không lấy tiền”, ông Mai Tiến Dũng nói thêm.
Bộ trưởng Bộ Mai Tiến Dũng cũng làm rõ câu hỏi có khuyến khích thành viên Chính phủ làm GS, PGS hay không. Cụ thể, theo ông Dũng tất cả phải làm đúng quy định. “Nếu như lãnh đạo đó đủ quy định thì làm hồ sơ ứng viên báo cáo hội đồng. Thế nhưng phải bảo đảm bảo chất lượng”, ông Dũng nêu rõ quan điểm.
Thủ tướng: Dừng trạm BOT nếu không thu phí tự động
Thủ tướng: Dừng trạm BOT nếu không thu phí tự động
Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, ngày 27/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Sau gần 1 năm thực hiện Quyết định, các cơ quan, đơn vị đã nỗ lực triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu giá theo hình thức BOT, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống thu giá vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về quản lý, vận hành hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; chưa xây dựng lộ trình cụ thể để chuyển sang thu giá tự động đối với từng trạm thu giá; việc triển khai đầu tư các trạm thu giá còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông…
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ sang thực hiện theo hình thức điện tử tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu giá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành khung tiêu chuẩn chung về thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, làm cơ sở để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVHQ14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo dừng hoạt động thu giá đối với các dự án không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg cho đến khi triển khai tổ chức thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Thu phí ở Yên Tử là đúng quy định
 Thu phí ở Yên Tử là đúng quy định
Bắt đầu từ năm 2018, người dân đi cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) đầu xuân Mậu Tuất phải nộp phí 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em.
Sau 10 năm dừng thu nay Quảng Ninh lại thu phí đi tham quan, cúng lễ ở Yên Tử, nhiều người dân và du khách tỏ ra ngạc nhiên, bức xúc cho rằng việc thu phí là không hợp lý, “đi lễ chùa cũng phải nộp phí thì mất hết ý nghĩa”.
Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, khoản phí thu được sẽ chi 20% để đảm bảo hoạt động của bộ máy Ban quản lý; 80% còn lại nộp ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho TP Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử.
Liên quan đến vấn đề này chiều 1/3, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nói, việc thu phí di tích tại một số địa phương là căn cứ theo Luật Phí và Lệ phí cũng như các nghị định, thông tư liên quan.
Bộ Văn hóa đã rà soát và nhận thấy tất cả địa phương khi có thu phí, lệ phí đều căn cứ các quy định nêu trên, không thu tùy tiện. Việc điều chỉnh tăng, giảm đều có thông qua HĐND với những căn cứ cụ thể.
"Về thu phí tại Yên Tử, chúng tôi được biết triển khai theo đúng quy định của pháp luật, được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua", bà Thủy nói.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, thu phí là chủ trương chung của các địa phương để có nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều khu di tích hiện đã khang trang, đẹp đẽ hơn, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách nhờ nguồn thu phí tham quan di tích.