Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương
Sáng 2/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến với tất cả các địa phương trên cả nước để bàn về tình hình kinh tế-xã hội.
Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.Qua 1/2 chặng đường của năm 2018, con tàu kinh tế đã đạt tốc độ đáng khích lệ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì...
Phát biểu kết luận phiên họp trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 vào ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Qua 1/2 chặng đường của năm 2018, những kết quả đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là tích cực, toàn diện. Song việc triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức; các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được mà phải luôn chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để có những phản ứng chính sách kịp thời; năng động, sáng tạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; quyết liệt hành động, nói đi đôi với làm nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2018.
Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu đặt ra về cải cách thể chế, xây dựng cơ chế chính sách; nhấn mạnh những gì đang cản trở người dân, DN, cản trở sức sản xuất cần phải loại bỏ; nền kinh tế phải lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát và triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP; ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp hiệu quả bổ sung động năng mới cho tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020; thực hiện cho được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức dưới 4%. “Lạm phát và tăng trưởng nếu không chỉ đạo chặt chẽ thì sẽ có nhiều nguy cơ”, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương.Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công. Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi NSNN trên cơ sở giải trình minh bạch, hiệu quả về định hướng và kỷ luật chi NSNN. Tăng cường quản lý thu, giảm nợ đọng và chống thất thu thuế hơn là tăng thuế; kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh ổn định. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt. Duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh nền tài chính; điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô. Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh để nâng cao giá trị gia tăng. Thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề “thẻ vàng” của EU; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch các địa phương có biển phải chịu trách nhiệm về vấn đề này trước Thủ tướng Chính phủ.Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mực nước, xâm nhập mặn, hạn hán ở các địa phương, có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất; tăng cường chỉ đạo, điều hành, có các giải pháp bảo đảm an toàn cho các đập, hồ chứa trong mùa mưa bão 2018.Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện để DN tăng xuất khẩu, giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt trong các tháng cuối năm. Chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường tiêu dùng trong nước, thúc đẩy xây dựng thương hiệu hàng hoá, sản phẩm. Tăng cường công tác thông tin thị trường và hỗ trợ DN tháo gỡ các rào cản, đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng của nước nhập khẩu hàng hóa. Tập trung hơn nữa chỉ đạo, thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường sinh thái... thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo cho người có công. Tăng cường phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em. Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cải thiện vấn đề nhà vệ sinh ở trường học và ở các bệnh viện, cơ sở y tế. Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt chủ trương, chỉ đạo về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan công quyền;…
“Đang xuất hiện sức ì ngày càng lớn, cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, không thể để tình trạng không làm cũng không sao, làm việc không tốt cũng không sao; chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu sự nỗ lực của cán bộ”, Thủ tướng nhấn mạnh về công tác cán bộ trong cải cách hành chính, tinh thần phục vụ nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cấp cơ sở, không để khiếu kiện đông người vượt cấp lên Trung ương.
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương phải đánh giá đúng tình hình, thực trạng triển khai nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khoá XV thành công tốt đẹp
Chiều 6/7, phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, kỳ họp đã thành công tốt đẹp với nhiều điểm đổi mới.
Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu HĐND TP đã tập trung thảo luận Nghị quyết về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm với sự đổi mới trong tổ chức kỳ họp. Thường trực HĐND đã gửi tài liệu kèm theo gợi ý thảo luận tới đại biểu từ rất sớm để đại biểu nghiên cứu và tổ chức họp tại 6 tổ đại biểu.
|
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu bế mạc kỳ họp thứ sáu HĐND TP khóa XV. |
Tại buổi thảo luận, có 55 đại biểu với 60 lượt tham gia ý kiến vào báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Chủ tịch HĐND TP đánh giá cao sự đổi mới, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và đề nghị UBND TP quan tâm, có lộ trình khắc phục những thiếu sót, có nhiều ý kiến tham góp giải pháp quyết liệt hơn trong điều hành để hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2018.
Tại kỳ họp, HĐND TP đã hoàn thành xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo, 3 nghị quyết thường kỳ, 2 báo cáo và 7 nghị quyết chuyên đề với tỷ lệ tán thành cao nhất từ trước đến nay.
Phiên chất vấn thẳng thắn, xây dựng vì sự phát triển của Thủ đô, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, đổi mới và hiệu quả với 3 điểm mới: Tiếp xúc cử tri chuyên đề được thực hiện trước khi bước vào chất vấn; thời gian hỏi của đại biểu được rút ngắn từ 3 phút xuống còn 1 phút; tăng cường tranh luận, tạo không khí dân chủ.
Đây là kỳ họp có số lượng đại biểu tham gia chất vấn nhiều nhất từ trước tới nay, gồm 40 đại biểu tham gia với 48 lượt chất vấn, tăng gấp đôi so với kỳ họp thứ năm. Số lượng đại biểu không chuyên trách cũng tham gia nhiều nhất trừ tước tới nay, chiếm 50,05% tổng số đại biểu tham gia chất vấn. Điều đó cho thấy việc lựa chọn hai nhóm vấn đề chất vấn là đúng và trúng vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Qua quá trình chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, thời gian qua, Hà Nội đã rất quan tâm, nỗ lực đổi mới trong quá trình chỉ đạo, điều hành; các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong công tác thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri.
HĐND TP đề nghị UBND TP nghiêm túc tiếp thu và đề ra các giải pháp hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ khắc phục các tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực HĐND thành phố đã nêu. Thuờng trực HĐND TP sẽ ban hành kết luận phiên chất vấn của Chủ tọa Kỳ họp làm cơ sở cho việc giám sát, triển khai thực hiện.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thành công tốt đẹp, ngay sau kỳ họp, đề nghị UBND TP có kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND để bảo đảm các nghị quyết đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực.
Các ban của HĐND căn cứ theo chức năng nghiên cứu đề nghị của đại biểu, đặc biệt là 5 đề nghị của Chủ tịch UBND TP để cập nhật đưa vào nghị quyết và phối kết hợp với các ngành xây dựng kế hoạch báo cáo các cấp theo thẩm quyền.
Triệt phá một số đường dây cá độ bóng đá
Ngày 8/7, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 Bộ Công an) cho biết, mới đây đã phát hiện đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc có quy mô lớn trên mạng Internet thông qua mạng cá độ M88 và phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự C45 triệt phá.
Đây là chuyên án quy mô được Trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo C50, C45 và Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện kế hoạch triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc M88 trên các địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai.
Ngày 7/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triển khai 14 tổ công tác đồng loạt thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, khám xét khẩn cấp, triệu tập các đối tượng Nguyễn Minh Đạt, Trần Thị Hồng Trinh, Trần Đông Ca, Nguyễn Như Hoàng, Lê Hữu Long, Nguyễn Minh Quang và các đối tượng khác liên quan để điều tra làm rõ.
Đồng thời, Cơ quan Công an cũng tạm giữ nhiều tang vật, tài sản như: 3 ô tô, nhiều sổ tiết kiệm trị giá hơn 10 tỷ đồng, 210 tờ mệnh giá 100 USD, 30 triệu đồng tiền mặt.
Theo Cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Đường dây đánh bạc qua mạng M88 (máy chủ tại Philippines) đã tổ chức đánh bạc cho hàng ngàn con bạc trên phạm vi cả nước.
Ước tính từ năm 2015 đến nay, tổng lượng tiền nạp vào tài khoản của các đối tượng tổ chức vào khoảng 2.000 tỷ đồng.Trước đó, ngày 22/6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an thông tin, đơn vị vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua trang web 12bet.com.
Cơ quan điều tra đã thi hành lệnh giữ người và khám xét 4 nghi can có hành vi tổ chức đánh bạc gồm: Võ Văn Nghĩa (25 tuổi); Võ Văn Hòa (20 tuổi, cùng ngụ quận 7, em ruột của Nghĩa); Đỗ Thị Tú Anh (21 tuổi, ngụ quận 6) và Phan Thanh Hoàng (27 tuổi, ngụ quận 7), đồng thời triệu tập Trần Giang Ý Huệ (21 tuổi, vợ của Nghĩa), do Huệ đang nuôi con nhỏ nên không bị áp dụng biện pháp tạm giữ.
Tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an thu giữ 4 máy vi tính, 8 điện thoại di động, 8 thẻ ATM, tiền mặt hơn 300 triệu đồng…
Theo kết quả điều tra ban đầu, vợ chồng Nghĩa - Huệ được xác định là 2 đối tượng cầm đầu, trực tiếp móc nối, giao dịch với các đối tượng quản lý trang web cá độ bóng đá 12bet.com đặt tại Philippines.Từ đầu năm 2017 tới nay, tổng lượng tiền giao dịch đánh bạc trên trang web của đường dây này là 600 tỷ đồng. Theo C50, trang 12bet... được đưa vào hoạt động từ năm 2007, thu hút hàng nghìn người chơi tại Việt Nam, đánh bạc dưới nhiều hình thức như cá cược thể thao (bóng đá, tennis…), casino trực tuyến hoặc xổ số trực tuyến.
Cơ quan Công an đã theo dõi đường dây cá độ bóng này trong nhiều tháng qua. Giữa tháng 6/2018, World Cup bắt đầu khởi tranh, các đối tượng hoạt động mạnh hơn. Khi đã có đầy đủ chứng cứ, lực lượng chức năng quyết định triệt phá. Hiện vụ án đang được công an mở rộng điều tra.
Trước đó, ngày 3/7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Ninh Bình bằng biện pháp nghiệp vụ đã phá thành công vụ đánh bạc quy mô lớn bằng hình thức cá độ bóng đá, bắt giữ 5 đối tượng có liên quan gồm Nguyễn Quyết Chiến, SN 1986, trú tại phố Khánh Bình, phường Ninh Khánh, là đối tượng cầm đầu; Vũ Huy Thông, SN 1989, trú tại phố 6, phường Vân Giang, TP Ninh Bình; Lê Thi, SN 1986, trú tại xã Gia Vân, huyện Gia Viễn; Nguyễn Anh Tuấn, SN 1985, trú tại phố Tân Tiến và Trần Mạnh Trung, SN 1986, cùng trú tại phố Tân Nhất, thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan.Cùng với đó, lực lượng công an thu giữ 600 triệu đồng, 1 xe ôtô, 1 xe máy, 11 điện thoại di động và nhiều giấy tờ liên quan đến việc cá độ bóng đá.Qua khai thác ban đầu tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Nguyễn Quyết Chiến khai nhận đã tổ chức cá độ bóng đá trong thời gian dài. Cụ thể, trong tháng 6/2018, Chiến đã mua một tài khoản cá độ bóng đá tại trang website bong88.com có hạn mức 100.000 USD về chia thành 13 tài khoản cá độ.Một số tài khoản Chiến trực tiếp quản lý điều hành và tham gia đánh bạc, một số tài khoản Chiến bán lại cho Nguyễn Anh Tuấn và Vũ Huy Thông để trực tiếp cá độ và trung chuyển cho các đối tượng tham gia cá độ bóng đá.Sau quá trình điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thu giữ nhiều dữ liệu chứng minh số tiền các đối tượng sử dụng vào việc cá độ bóng đá khoảng 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng).Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Như vậy, chỉ trong tháng 7/2018, Công an tỉnh Ninh Bình đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ đánh bạc bằng hình thức cá độ, qua các trận thi đấu tại World Cup 2018.
TP.HCM, Đà Nẵng kỷ luật một số cán bộ đảng viên
Chiều 6/7, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có thông cáo về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.
Theo thông cáo, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về việc giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã triển khai kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các đảng viên là cán bộ lãnh đạo của Văn phòng Thành ủy và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (Công ty Phú Nhuận).
Qua kết quả kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xem xét, quyết định, thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với các đảng viên vi phạm.
Cụ thể, lãnh đạo Công ty Phú Nhuận đã có vi phạm trong việc tham mưu, đề xuất Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương cho hợp tác đầu tư để chuyển nhượng Dự án Khu Nhà ở phường An Phú, Quận 2 khi chưa có đủ điều kiện theo quy định Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở; đồng thời, thông qua hợp tác đầu tư để chỉ định chuyển nhượng Dự án mà không thông qua thực hiện đấu giá hoặc đấu thầu là thực hiện không đúng quy định của Ban Thường vụ Thành ủy và quy định của pháp luật về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Sau khi có chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Công ty Phú Nhuận đã tiến hành hủy hợp đồng với đối tác, chưa gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, qua phân tích nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với bốn đảng viên là lãnh đạo Công ty Phú Nhuận gồm ông Trang Thành Sương (nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên), ông Phạm Văn Thắng (Phó Bí thư Chi bộ, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh Công ty); ông Huỳnh Công Tài (Bí thư Chi bộ, Kế toán trưởng, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh Công ty); ông Lê Thái Bảo (Phó Tổng Giám đốc, Thành viên Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh Công ty).
Đồng thời, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy đã xem xét thi hành kỷ luật Khiển trách hai trường hợp cán bộ của Công ty Phú Nhuận không là đảng viên ông Hoàng Đình Phi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phú Nhuận và ông Huỳnh Thanh Hải, Kiểm soát viên Công ty Phú Nhuận.
Cũng trong ngày 6/7, thông tin từ Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã họp và ra quyết định kỷ luật 2 cán bộ vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
Theo đó, ngày 2/7, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã họp kỳ họp thứ 23. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã xem xét, kết luận các nội dung xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phan Xuân Ít, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ 4A thuộc Đảng bộ phường Khuê Trung, nguyên Phó Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND TP Đà Nẵng.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét khuyết điểm, vi phạm của ông Phan Xuân Ít trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý đô thị, tham mưu lãnh đạo UBND TP ban hành các văn bản không đúng với quy định pháp luật về đất đai. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; xét tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phan Xuân Ít.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cũng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đình Thống, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ 23 thuộc Đảng bộ phường Hòa Cường Bắc, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất TP Đà Nẵng. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét khuyết điểm, vi phạm của ông Nguyễn Đình Thống trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất TP, ký hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất không đúng với quy định pháp luật về đất đai.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; xét tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đình Thống.
Nắng nóng, tiêu thụ điện tại miền Bắc lập kỷ lục mới
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù công suất phụ tải đỉnh ngày 4/7/2018 của hệ thống điện toàn quốc chưa vượt qua ngày hôm trước nhưng sản lượng tiêu thụ điện đã thiết lập kỷ lục mới với con số 725 triệu kWh.
Còn tại miền Bắc, công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện đạt 17.149MW, sản lượng điện tiêu thụ cũng lên tới 363,8 triệu kWh. Cả hai số liệu này của miền Bắc vào ngày 4/7/2018 đều là những số liệu cao nhất từ trước đến nay.Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội, tiêu thụ điện ngày 4/7/2018 cũng lập đỉnh mới, với công suất phụ tải đỉnh là 4.149MW và sản lượng tiêu thụ toàn thành phố là 85 triệu kWh vượt xa mức đỉnh của ngày 3/7 ở mức 82,26 triệu kWh.
Để chuẩn bị nguồn cho năm nay, EVN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tập đoàn đã đưa vào vận hành thương mại 2 tổ máy dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và hoàn thành chạy tin cậy dự án Nhiệt điện Thái Bình.
Tính chung trên toàn quốc, tổng công suất các nguồn điện được đưa vào phát điện 6 tháng năm 2018 khoảng 1.500MW. Đến cuối tháng 6/2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là 46.900MW, trong đó nguồn điện của EVN là 28.124MW chiếm gần 60%.
Về lưới điện, EVN và các đơn vị đã hoàn thành đóng điện 84 công trình lưới điện 110 - 500kV (gồm 4 công trình 500kV, 15 công trình 220 kV và 65 công trình 110kV), trong đó có các công trình quan trọng như: trạm biến áp 500kV Lai Châu, nâng công suất các TBA 500kV Tân Định, Sơn La... các trạm biến áp 220 kV Phù Mỹ, Phú Thọ, Nông Cống, ĐăkNông, Cần Thơ, Phong Điền...
Tổng số các công trình đã khởi công xây dựng là 59 công trình lưới điện 110 - 500kV (bao gồm 2 công trình 500kV, 8 công trình 220kV và 49 công trình 110kV).
Phía EVN khuyến cáo các cơ quan, công sở và người dân cần tiếp tục triệt để sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…).
Đặc biệt khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên để vừa đảm bảo tiết kiệm điện, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến.