Ảnh minh họa |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước; tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng tích trữ; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng.
Tuy nhiên, CPI bình quân 7 tháng chỉ tăng 1,64% là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản (không tính mặt hàng lương thực, thực phẩm; năng lượng và hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá) chỉ tăng 0,89%.
Trong 7 tháng vừa qua, giá xăng dầu điều chỉnh 12 đợt, tăng 20,36%, làm CPI chung tăng 0,73 điểm phần trăm; giá gas tăng 5 lần tác động làm tăng CPI 0,27 điểm phần trăm. Học phí, giá gạo, giá vật liệu xây dựng (xi măng, sắt, thép, cát sỏi…) đều tăng, nhưng CPI chỉ tăng 1,64% một phần do dịch bệnh khiến người dân bị giảm thu nhập, nên buộc phải giảm chi tiêu.
Ngoài ra, theo phân tích của chuyên gia Vũ Vinh Phú, cũng do đại dịch khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nên đã 2 lần buộc phải hoãn tăng lương cơ sở, lương hưu và tăng trợ cấp xã hội, khiến thu nhập của hàng chục triệu người không tăng, buộc họ phải “thắt lưng, buộc bụng”, chỉ chi tiêu những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Cầu giảm khiến giá cả không tăng được. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến người dân hạn chế đi lại và theo đó giá vé tàu hỏa giảm 1,27% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 18,66%; giá du lịch trọn gói giảm 2,83%.
Chính phủ cũng triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19; trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá tiền điện cho khách hàng, sắp tới là giá nước sinh hoạt và giảm giá một số dịch vụ khác.
Trước diễn biến giá cả thị trường 7 tháng vừa qua và dự báo 5 tháng còn lại của năm 2021, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, năm nay, CPI bình quân chỉ tăng 3,3-3,7%.
Dự báo về mức tăng CPI trong những tháng cuối năm, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, do diễn biến phức tạp với quy mô lớn của đại dịch và thực hiện giãn cách xã hội ở hai TP lớn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của đất nước và các tỉnh Nam bộ làm đứt gãy và gián đoạn lưu thông hàng hoá.
Theo đó, sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được, rớt giá, người nuôi trồng bị thua lỗ nên dừng sản xuất. Doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm tạm ngừng sản xuất do dịch Covid-19 gây nên khan hiếm nguồn cung làm cho giá lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng cao vào các tháng cuối năm. “Dự kiến bình quân cả năm chỉ số CPI khoảng từ 3,3-3,6% thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra”, TS. Lâm nhận định.
Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao dưới mức 4%, Bộ Tài chính cho hay sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu chiến lược trên thế giới, tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh nhằm có các biện pháp cần đối cung - cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biển động mạnh. Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng vừa công khai danh sách số điện thoại đường dây nóng tại 23 tỉnh, TP khu vực miền Nam để tiếp nhận, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đặc biệt các hành vi lợi dụng dịch bệnh để gian lận thương mại, thu lời bất chính.