Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm đột phá trong khâu chọn giống bò sữa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá cả xuống thấp, chăn nuôi bò sữa vẫn là một trong số ít lĩnh vực trụ vững được và mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, chăn nuôi bò sữa của Thủ đô chưa phát huy hết thế mạnh do chất lượng con giống còn hạn chế.

Tỷ lệ bò giống thuần chủng thấp

Gia đình chị Doãn Thị Hà, thôn La Thạch, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) nuôi bò sữa từ 8 năm nay. Hiện, chị Hà nuôi 10 con bò sữa, trong đó 4 con đang cho thu sữa, sản lượng đạt 80kg sữa/ngày. Với giá bán sữa bình quân 13.200 - 13.400 đồng/kg, mỗi ngày chị Hà thu về khoảng hơn 1 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi bò sữa. Mặc dù vậy, theo chị Hà, hiện nay bò giống chủ yếu là do người dân tự gây nuôi, chất lượng còn hạn chế. "Nhiều người mua bò về nuôi rất lâu nhưng không sinh sản và cho sữa" - chị Hà chia sẻ.

 
 Chăn nuôi bò sữa tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai.     Ảnh: Quang Thiện
Chăn nuôi bò sữa tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai. Ảnh: Quang Thiện

Tương tự, ông Nguyễn Bá Thiện, khu 3, xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai) cũng vươn lên trở thành hộ khá giả nhờ chăn nuôi bò sữa. Hiện, gia đình ông Thiện đang nuôi 24 con bò sữa, trong đó 8 con đang cho khai thác sữa, sản lượng  đạt 140kg/ngày. Ông Thiện cho hay, với giá bán 13.600 đồng/kg, mỗi tháng gia đình ông thu về khoảng 50 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi 50%. Tuy nhiên, việc gây giống, nhân giống bò cũng chủ yếu là do gia đình tự làm nên tỷ lệ đậu thai thấp. Thậm chí, có lần phối giống nhưng bò không đậu thai.

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay, trong cơ cấu giống, tỷ lệ bò sữa thuần chủng của TP mới đạt 10%, còn lại tỷ lệ bò lai F1 chiếm 10%, F2 chiếm 18% và F3 chiếm 62%. Về thực trạng sinh sản, số tuổi phối giống lần đầu của bò sữa trên địa bàn TP cao, dao động từ 16 - 36 tháng. Khoảng cách giữa hai lứa đẻ dài (14 - 18 tháng), tỷ lệ bò chậm sinh, thời gian động dục sau khi đẻ kéo dài cao (24 - 26%). Đặc biệt, việc ứng dụng kỹ thuật tinh phân li (tinh phân biệt giới tính) còn hạn chế. 

Tích cực ứng dụng giống mới

Toàn TP hiện có hơn 12.000 con bò sữa với trên 3.000 hộ chăn nuôi, quy mô trung bình 4 con/hộ. Trên địa bàn TP đã hình thành 12 vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm tại các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Phúc Thọ với 2.517 hộ nuôi, tổng đàn 10.195 con, chiếm 81,5% tổng đàn bò sữa toàn TP. Mục tiêu đề ra đến năm 2020, đàn bò sữa của Hà Nội tăng lên đạt 25.000 con. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, vấn đề sinh sản của bò sữa liên quan chặt chẽ đến năng suất, chất lượng sữa. Do vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò sữa, thời gian tới cần tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trong khâu chọn giống. 

Ông Hoàng Kim Giao - nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2009 đến nay, chăn nuôi bò sữa có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và cho lãi cao. Hiện nay, cả nước có gần 200.000 con bò sữa với sản lượng trên 400.000 tấn sữa/năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được khoảng 25 - 27% lượng sữa tiêu dùng trong nước. Chiến lược phát triển bò sữa Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đàn bò sữa đạt 500.000 con, sản lượng sữa hơn 1 triệu tấn, đáp ứng 40% nhu cầu trong nước. 

Theo ông Hoàng Kim Giao, để đạt tốc độ phát triển bò sữa từ 15 - 18%/năm như yêu cầu đặt ra, cần phải tạo được bước đột phá trong khâu chọn giống. Hiện nay nhiều công nghệ được áp dụng vào chăn nuôi bò sữa, trong đó có thụ tinh nhân tạo. Nếu sử dụng tinh phân biệt giới tính có thể đạt được tốc độ phát triển nhanh vì quản lý được các con đực, cái. Công nghệ này đã được áp dụng khoảng 3 - 4 năm nay tại một số tỉnh, TP như Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng và Hà Nội nhưng số lượng còn hạn chế. Do đó, Hà Nội cùng các địa phương cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ áp dụng mạnh mẽ phương pháp này vào chăn nuôi bò sữa.