Theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu của WEF, vấn đề địa chính trị ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2015 khi chiếm tới 3/10 rủi ro hàng đầu có thể xảy ra, và 2/10 rủi ro hàng đầu xét theo khía cạnh tác động tiềm tàng. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây tuột dốc, dịch bệnh Ebola vẫn chưa được kiểm soát, Trung Đông và một số khu vực khác trên thế giới vẫn bất ổn, các vấn đề sản xuất và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia, WEF lần này là cơ hội để các bên tiến hành những cuộc gặp, đối thoại chính thức và không chính thức nhằm thúc đẩy nỗ lực kiến tạo hòa bình.
Đây cũng là lý do trước thềm WEF lần thứ 45, thay vì tập trung vào chủ đề kinh tế, WEF công bố một loạt thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt trong “bối cảnh toàn cầu mới”. GS Klaus Schwab - Chủ tịch WEF cũng hy vọng, Hội nghị thường niên Davos sẽ đạt được nhận thức chung giữa các nước về một bối cảnh mới, tìm giải pháp cho một nghị định khung cũng như đóng góp vào việc khôi phục lòng tin toàn cầu.
Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa có lối thoát, mọi sự chú ý đổ dồn vào các bài phát biểu, tuyên bố của các nhà lãnh đạo liên quan đến cuộc khủng hoảng này. Phát biểu tại WEF, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu (EU) tiến hành cuộc đàm phán với Liên minh Á - Âu về “khả năng hợp tác trong một không gian thương mại chung” nhưng với điều kiện là phải có một giải pháp hòa bình toàn diện cho vấn đề miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cũng đề nghị EU thảo luận nhằm tìm kiếm khả năng hợp tác với Nga về một không gian thương mại “từ Lisbon đến Vladivostok” vốn được Tổng thống Nga Vladimir Putin ấp ủ từ lâu. Đây có thể coi là đề nghị thiện chí và “tạo một lối thoát cho Nga” như tuyên bố của giới chức Đức.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham gia các phiên họp chính thức, có các cuộc tiếp xúc song phương với các quan chức ngoại giao, thương mại một số nước và gặp gỡ lãnh đạo nhiều tập đoàn quốc tế lớn. Bên lề Hội nghị thường niên WEF lần thứ 45, tại cuộc tiếp xúc song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Hoàng hậu Hà Lan Maxima - Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp quốc về tài chính bao trùm đã mời Việt Nam tham gia Nhóm những người bạn tài chính bao trùm với thành viên là đại sứ các nước tại LHQ. Trong cuộc tiếp xúc với Đại diện Thương mại Mỹ Micheal Froman, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đề nghị Mỹ tiếp tục dành cho Việt Nam những linh hoạt cần thiết để có thể sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), khẳng định Việt Nam đã và đang nỗ lực nhằm bảo đảm TPP là một hiệp định có chất lượng cao và cân bằng. Ngoài ra Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc với Phó Thủ tướng Thái Lan Devacula Pridiyathorn; Giám đốc tài chính công ty Heineken Hooft Graafland, Chủ tịch Công ty UPS (Mỹ) James Barber.
Ngày 23/1, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tiếp tục các hoạt động tiếp xúc song phương, dự và phát biểu tại một số phiên thảo luận quan trọng của hội nghị. Theo kế hoạch, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự với tư cách là diễn giả tại phiên họp Triển vọng địa chính trị toàn cầu 2015 vào sáng nay (24/1) để bàn về các ưu tiên khu vực và toàn cầu, cùng với những tác động sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và nền kinh tế trong năm 2015.
Trong một diễn biến liên quan, nhiều nhà lãnh đạo các nước Ả Rập đã rời Davos để kịp dự lễ tang của Quốc vương quá cố được tổ chức trong ngày 23/1.