Người Việt mạnh tay chi tiền ở nước ngoài
Để trả lời câu hỏi này phóng viên đã phải trải nghiệm một số tour du lịch trong nước và quốc tế mới đưa ra những quan điểm, góc nhìn của mình. Thực tế, đang đặt ra cho ngành Du lịch Việt Nam khá nhiều việc để làm.
Anh Long người Nghệ An đi du lịch ở Nam Ninh, Trung Quốc. Đây là tỉnh giáp với Quảng Ninh nên mọi người cũng chọn hành trình đi qua cửa khẩu Móng Cái, sang Đông Hưng và đi xe khách đến Nam Ninh. Lúc ở trên xe anh nói, đi ở đây thì có gì để mua đâu, chủ yếu đến thăm vùng dân tộc Choang và chụp ảnh là chính. Ở đây cảnh không đẹp bằng Việt Nam nhưng đổi lại dịch vụ hơn hẳn Quảng Ninh, đất du lịch của Việt Nam. Ở những tuyến phố đông người, xe du lịch đi có cảnh sát dẫn đường nên di chuyển rất nhanh. Trong chuyến đi hướng dẫn viên đưa đoàn Việt Nam đến 2 cửa hàng bán sản phẩm, một về ngọc trai, một về dầu cao và các loại thuốc dành cho các bệnh đau xương khớp, não, tim … điều chế từ thuốc bắc. Người ít thì cũng mua chục hộp dầu cao về nhà làm quà cho người thân, nhiều thì mua các loại thuốc đắt tiền bồi bổ cơ thể … Anh Long, người nói không mua gì lúc đầu thì cũng tiêu hết khoảng hơn 1000 USD ở 2 cửa hàng.
|
Khu vực mua sắm ở Hàn Quốc. |
|
Em Dung ở Nghệ An mua khá nhiều hàng hoá trong chuyến đi Hàn Quốc, từ Mỹ phẩm, nhân sâm, bánh kẹo ... |
Phóng viên trò chuyện với em Dung cũng ở Nghệ An vừa hoàn tất chuyến đi du lịch từ Hàn Quốc, cho biết: Năm nay em mới 20 tuổi, đang là sinh viên, cùng với bạn đi tour du lịch Hàn 5 ngày 4 đêm. Công ty du lịch cũng dẫn đoàn vào 2 điểm mua sắm, chủ yếu là các sản phẩm bánh kẹo làm từ sâm. Mỹ phẩm, mặt nạ, sâm tươi, sản phẩm chế biến từ sâm … Em mua hết khoảng 25 triệu đồng cao sâm, mỹ phẩm, mặt nạ. Em cho biết, là con gái thích làm đẹp không mấy khi có cơ hội để sang Hàn nên em mua ít mỹ phẩm cho mình còn cao sâm dành cho ông bà.
Trong chuyến đi du lịch Thái Lan 4 ngày 3 đêm của phóng viên năm 2017, trong đó mất gần 2 ngày di chuyển đi và về. 1 ngày đi ngắm biển và tắm, còn 1 ngày mua sắm. Chiều tối ngày đầu tiên được vui chơi tự do tại Phuket. Khách sạn của đoàn cũng gần ngay siêu thị mọi người rủ nhau đi tham quan mua sắm, nhưng hướng dẫn viên nói rằng về Băng Cốc giá cả rẻ hơn. Thực tế, khi về Băng Cốc mọi thứ đắt đỏ hơn rất nhiều ở Phuket. Tuy nhiên, ai cũng muốn mua quà, vậy nên hướng dẫn viên dẫn vào đâu thì mua ở đó. Ai cũng biết, là giá trị mua càng lớn thì hướng dẫn viên càng được nhiều hoa hồng. Đến ngày cuối nếu không mua thì không có quà về cho người thân. Nhiều du khách phàn nàn với nhau, ở đây mọi thứ đều rất đắt so với ở Phuket. Dù nói vậy, nhưng ai cũng mua đủ thứ, từ quần áo, nồi cơm điện, đồ gia dụng, mỹ phẩm … Người ít cũng vài triệu, người nhiều thì vài chục triệu… Không chỉ vậy, ngay cả hướng dẫn viên cũng mua khá nhiều hàng hoá chuyển về Việt Nam. Theo chị này cho biết, khi đi một số chủ cửa hàng dặn mua giúp đồ mỹ phẩm, hoá chất, gia dụng về bán. Đây chính làm một trong những kênh phân phối hàng hoá xách tay Thái Lan về Việt Nam.
|
Tại khu vực mua sắm của Nga có khá nhiều người mua sắm. Dịp World cup những sản phẩm bán chạy nhất có liên quan đến trái bóng. |
Cách "hút" tiền của thương mại quốc tếỞ xứ sở Bạch Dương dịch vụ du lịch chưa được như những quốc gia kể trên, nhưng họ cũng đã biết giới thiệu về mặt hàng lợi thế của Nga, đó là: Trái cây chery, táo, cá tầm, sữa dê, mỹ phẩm Nga chiết xuất từ trái cây … Ngay khi đặt chân vào nước Nga, rời khỏi sân bay đón đoàn Việt Nam và hành trình trên xe của Công ty du lịch Nga, đi qua cánh rừng Bạch Dương, hướng dẫn viên người Việt tên Dương đã nói rất nhiều về đất nước này. Đó là những khu nhà xen kẽ với rừng. Ngoài bạch dương ra, người Nga còn được hưởng thụ từ rừng đó là táo, chery. Những trái táo thơm phức trong rừng còn được người Nga chiết xuất ra các loại mỹ phẩm làm đẹp da tự nhiên rất tốt… Anh Dương không quên kể về đặc sản nổi tiếng của Nga đó là cá tầm và trứng cá tầm, bánh kẹo, hạt hướng dương …
Đoàn được dẫn đến 1 khu chợ của người Việt, 1 doanh nhân chuyên kinh doanh hàng hoá tại Nga cho biết: Các anh/chị muốn mua đặc sản gì của Nga, số lượng bao nhiêu bọn này cung cấp cho, đảm bảo chất lượng và đóng gói đi được lên máy bay. Trước khi về chúng tôi chở thẳng ra sân bay giao cho các anh chị. Trong đoàn không ai là không mua, ít thì vài ki-lô-gram chery, có người đặt vài con cá tầm, 1 vài thùng sữa dê … Tiền có thể thanh toán luôn bằng rúp, đôla, …, nhưng cũng có thể chuyển khoản bằng tiền Việt.
Đúng như lời hẹn, trước giờ máy bay rời khỏi nước Nga 3 tiếng, doanh nhân gặp mặt hôm đầu tiên trên đất Nga đã chuyển đủ số lượng hàng và đóng gói đúng quy cách ra sân bay. Người này còn làm thủ tục cho hàng được thông qua ký gửi hành lý mới ra về.
|
Khá đông khách du lịch mua sản phẩm mỹ nghệ tại Trung tâm mua sắm của Nga. Hổ phách là một trong những sản phẩm được đông người mua. |
Ngày cuối trong kỳ tham quan mọi người còn được hướng dẫn viên dẫn đến khu mua sắm hàng mỹ nghệ nhựa thông hoá thạch (hổ phách). Đây cũng đặc sản đồ mỹ nghệ của Nga. Theo hướng dẫn viên người Việt tên Pha, đây là khu vực bán nhựa thông hoá thạch có những miếng thạch có tuổi đời cả nghìn năm, tác dụng tốt cho sức khoẻ, tiêu u hạch bình thường. Đây là khu vực được Nhà nước Nga đảm bảo về chất lượng hàng hoá cho mọi khách mua sắm, không có hàng nhái, giả và được niêm yết giá bán trên quầy.
Như vậy, không chỉ đưa khách đến địa chỉ tin cậy, mà các hướng dẫn viên ở đây đều có những bài nói am hiểu về lịch sử các nước, giới thiệu rất hay về sản phẩm quốc gia của nước mà du khách đặt chân đến.
Anh Trung, một chủ showroom ô tô tại Hà Nội cho biết, mọi người trong gia đình anh đã mua khoảng 100 triệu tiền hàng tại khu trưng bày hổ phách. Chủ yếu là vòng đeo tay, đeo cổ, mỹ phẩm Nga … Trong đoàn có 37 người thì cũng có khoảng một nửa mua đồ mỹ phẩm và mỹ nghệ. Anh hướng dẫn viên cộng xong các hoá đơn và nói, “cháu thấy giật mình, mọi người trong đoàn mua khá nhiều quà tặng, số tiền mua gần 200 triệu đồng ở đây”.
Qua trải nghiệm cùng các đoàn đi Thái Lan, Hồng Kông, Nga và trò chuyện cùng với những người đi lu lịch ở một số nước khác về kể lại mới thấy ngành Du lịch của nước ngoài chuyên nghiệp từ cách tổ chức cho đoàn đi tham quan, mua sắm. Đặc biệt, ở quốc gia nào cũng xây dựng khu kinh doanh các đặc sản nổi tiếng mang thương hiệu của quốc gia đó. Thông thường các trung tâm giới thiệu kinh doanh này nằm trên tuyến đường tiện di chuyển của khách, hoặc đặt tại các khu trung tâm du lịch để khách du lịch tiện mua sắm.
Cùng với đó, việc thanh toán, hỗ trợ khách hàng đóng gói sản phẩm và đa dạng linh hoạt phương thức thanh toán, tạo điều kiện cho khách mua hàng được nhiều nhất. Kể cả thiếu tiền có thể chuyển khoản, quẹt thẻ thanh toán, miễn là khách bán được hàng.