Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp đánh thức tiềm năng thu hút đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, phát triển du lịch.

Song, để phát huy những tiềm năng, thế mạnh vốn có, đòi hỏi công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, du lịch, thương mại phải đẩy mạnh đổi mới hơn nữa.

Các chương trình chưa đi vào chiều sâu

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội đã thu hút được 1.637 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trị giá 7,551 tỷ USD. Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2016, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 139 dự án cấp mới và 41 dự án điều chỉnh vốn với số tiền lên đến 1,96 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng Hà Nội vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Cụ thể trong lĩnh vực đầu tư: Danh mục dự án kêu gọi đầu tư thiếu các dự án trong các lĩnh vực cần thiết kêu gọi đầu tư như xử lý rác, nước thải, cấp nước, y tế, giáo dục… Bên cạnh đó các quận, huyện, các sở, ngành trong quá trình lập danh mục dự án gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin tổng hợp về quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành.

Trong khi đó hoạt động xúc tiến thương mại cũng trong tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết: Nội dung xúc tiến thương mại chưa đủ chiều sâu, chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng của các DN, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến còn thiếu. Các hoạt động xúc tiến thương mại thiếu sự liên kết một cách hệ thống giữa các DN trong nước và giữa DN trong nước với thị trường nước ngoài. Nhiều DN có chung ý kiến, hoạt động này đang dừng lại ở việc tham gia một số hội thảo, hội chợ trong và ngoài nước. Trong khi đó, DN Thủ đô chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên không đủ kinh phí tham gia hoạt động này. Điều này khiến DN chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có.

Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến

Thông tin từ HPA cho thấy, nhằm hỗ trợ DN nắm bắt thông tin thị trường kịp thời, qua đó DN xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu, trong thời gian tới HPA triển khai dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu về toàn bộ các dự án trên địa bàn TP trong cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch. Đồng thời, từng bước thu thập cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực thương mại, ưu tiên trước cho nhóm ngành có thế mạnh trong hoạt động xuất khẩu như công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, nông sản… “Sau khi tìm hiểu mô hình Cổng đối thoại DN đang được Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư TP Hồ Chí Minh áp dụng hiệu quả, trong thời gian tới HPA sẽ áp dụng mô hình này. Theo đó, HPA đóng vai trò là đầu mối, tiếp nhận các kiến nghị, yêu cầu của DN qua đó tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN, từ đó tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam và nước ngoài tăng cường đầu tư vào Hà Nội” - ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm HPA nêu rõ. Bên cạnh đó, hàng năm HPA sẽ tổ chức từ 10 - 20 hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch qua đó chắp nối các DN trong và ngoài nước để liên kết, mở rộng thị trường cho các DN. Tiếp tục tuyên truyền nội dung các hiệp định FTA, TPP và đề ra các giải pháp cải cách thể chế giúp cho các DN phát triển. Nhằm hỗ trợ DN khai thác các điểm du lịch tiềm năng của Thủ đô, đặc biệt là khu vực ngoại thành và các làng nghề, HPA phối hợp với chính quyền địa phương và các DN thiết kế hoàn chỉnh 5 sản phẩm du lịch làng nghề. Cụ thể HPA sẽ tổ chức nghiên cứu, thiết kế đồng bộ các tour du lịch tại 5 làng nghề truyền thống và các tour kết hợp văn hóa như Hoàng Thành, Cổ Loa, Hồ Quan Sơn, Chùa Hương; khu vực Hồ Suối Hai và Hồ Đồng Quang ở Sóc Sơn…
Để hạn chế những tồn tại trong thu hút FDI, Hà Nội cần quan tâm đến các khía cạnh. Trước hết, cần thu hút FDI công nghệ cao, dịch vụ hiện đại của những tập đoàn, công ty xuyên quốc gia (TNCs) trong top 500 của thế giới. Đối với các khu công nghiệp hiện có cần điều chỉnh theo hướng tập trung hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng khu gắn với việc lấp đầy diện tích bằng dự án FDI thích ứng với Thủ đô. Kiên quyết không thu hút dự án gây ô nhiễm môi trường, không tiết kiệm năng lượng. Đối với khu công nghiệp mới cần xây dựng theo hướng chuyên ngành theo chuỗi giá trị sản phẩm. Cần có chính sách khuyến khích bằng các ưu đãi cụ thể việc kết hợp giữa DN FDI, nhất là TNCs với DN trong nước theo phương thức đa dạng để nâng cao hơn nữa tác động lan tỏa của khu vực FDI. Xây dựng đội ngũ DN nội nhiều về số lượng và ngày càng có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, đủ sức làm chủ thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
GS.TSKH Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài – VAFIE