Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp đối phó lũ rừng ngang

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lũ rừng ngang được xem là nguyên nhân chính khiến mực nước sông Bùi, sông Tích đợt cuối tháng 7 vừa qua lên cao nhất từ trước đến nay, gây ngập lụt nghiêm trọng tại một số huyện nằm dọc hai tuyến sông trên đoạn qua Hà Nội, đặc biệt là huyện Chương Mỹ. Điều đáng nói, hiện vẫn chưa có giải pháp để giải quyết căn cơ thực trạng này.

Lũ rừng ngang là nguyên nhân gây ngập lụt nghiêm trọng tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lâm Nguyễn
Nước lên cao nhất lịch sử
Tháng 10/2017, trận lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về khiến mực nước sông Bùi, sông Tích lên cao, nhấn chìm nhiều làng mạc thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất... Tại vùng “rốn lũ” huyện Chương Mỹ, thống kê trận lụt năm đó khiến địa phương này thiệt hại trên 104 tỷ đồng.

Năm nay, lũ rừng ngang tiếp tục hoành hành. Ngày 31/7 vừa qua ghi nhận mực nước sông Bùi lên mức +7,51m, cao nhất trong lịch sử. Trong khi mực nước sông Tích cũng vượt báo động 3 tới 0,6m - con số chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Hiện, nước lũ vẫn gây ngập nhiều nhà dân thuộc huyện Chương Mỹ.

Lý giải về nguyên nhân lũ rừng ngang gây hậu quả nghiêm trọng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho rằng, mật độ thảm thực vật suy giảm khiến đất và rừng thuộc các huyện miền núi tỉnh Hòa Bình không còn giữ được nước. Do đó, khi có mưa lớn cục bộ, toàn bộ lượng nước sẽ đổ xuống sông Bùi, sông Tích, gây ngập lụt và đe dọa an toàn vùng Thủ đô.

Bên cạnh yếu tố trên, TS Hoàng Phúc Lâm - Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho rằng, sông Tích hợp với sông Bùi rồi đổ vào sông Đáy. Từ đây, nước sông Đáy nhập vào sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) và đổ ra biển. Tuy nhiên, mưa lớn diễn ra trong nhiều ngày khiến mực nước sông Đáy và sông Hoàng Long cùng lên cao. Hệ quả là việc tiêu thoát nước sông Bùi, sông Tích rất chậm, dẫn tới tình trạng ngập lụt khu vực ngoại thành Hà Nội.

Cấp thiết nâng cấp đê điều

Để phòng, chống lũ rừng ngang, Hà Nội đã xây dựng 9 tuyến đê cấp 4 với tổng chiều dài khoảng 160km; 5 tuyến đê cấp 5 với tổng chiều dài 62km và 41 tuyến đê bao, đê bối (chưa được phân cấp) dài gần 133km. Tuy nhiên, đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, những tuyến đê này thân nhỏ, mái dốc, mặt cắt hẹp, mặt đê cũng chưa được cứng hóa. Cao trình thiết kế chưa bảm đảm yêu cầu phòng, chống lũ rừng ngang… Chính vì vậy, khi xảy ra lũ lớn, các tuyến đê rất dễ xảy ra sự cố, đặc biệt là tình trạng sạt lở, thẩm thấu, rò rỉ qua thân cống và tràn bờ cục bộ.

Từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2011/NĐ-CP bãi bỏ các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng. Thủ tướng cũng đã có Quyết định số 1821/2014/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê diều hệ thống sông Đáy. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống đê điều phòng, chống lũ mới đang trong quá trình thực hiện, chưa hoàn thiện đồng bộ. Đặc biệt, một số tuyến đê phòng, chống lũ rừng ngang cấp 4, cấp 5, hoặc không phân cấp chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới theo quy hoạch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, sẽ sớm tổng hợp các sự cố đê điều sau trận lũ vừa qua, đồng thời, rà soát, đánh giá các vị trí đê điều xung yếu phát sinh. Trên cơ sở đó, có báo cáo đề xuất TP xem xét, phê duyệt phương án nâng cấp phù hợp. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm đối với mục tiêu nâng cao năng lực phòng, chống lũ cho các tuyến đê, ứng phó chủ động với diễn biến thiên tai ngày một bất thường hiện nay.