70 năm giải phóng Thủ đô

Tìm giải pháp giữ “lá phổi” xanh cho thành phố

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, các sở, ngành có chức năng cần triển khai nhanh chóng một số nhiệm vụ. Trong đó, nghiên cứu phương pháp thống kê chính xác tỷ lệ cây xanh/người, giữa vùng lõi và vùng ven để xây dựng quy hoạch, có định hướng rõ ràng quỹ đất dành cho cây xanh công cộng.

Cây xanh giữ vai trò rất quan trọng trong cải thiện môi trường, đảm bảo đời sống, sức khỏe của người dân, đặc biệt là tại những đô thị đông đúc như Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng việc đảm bảo hạ tầng, bảo vệ, phát triển quỹ đất dành cho cây xanh chưa được chú trọng, cần được giải quyết triệt để.

Công viên Cầu Giấy với khoảng không gian xanh. Ảnh Phạm Hùng
Công viên Cầu Giấy với khoảng không gian xanh. Ảnh Phạm Hùng

Quỹ đất bị bó hẹp

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có trên 1,7 triệu cây xanh đô thị, đem lại không gian xanh mát, giúp cân bằng sinh thái, chống ồn, chống bụi, chống hiệu ứng nhà kính, mang lại môi trường trong lành cho Thủ đô.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu cải tạo, nâng cấp và mở rộng trên nhiều tuyến đường, phố khiến quỹ đất dành cho cây xanh bị buộc phải thu hẹp. Từ thực tế này, vấn đề đảm bảo sức khỏe cho “lá phổi” của TP nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô. Các hoạt động trồng cây, phủ xanh đô thị luôn được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Dù vậy, việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng do còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch dẫn đến hiệu quả không đạt như mong đợi. Mặt khác, việc cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường còn chưa được thực hiện đúng. Tại không ít điểm, cụm công nghiệp, khu giãn dân... dù được xây dựng mới, nhưng quỹ đất dành cho cây xanh, vườn hoa dường như bị nhiều chủ đầu tư "bỏ quên".

Trong khi đó, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nhiều dự án công viên với mục đích phục vụ cho người dân nhưng lại bị cơi nới, tăng diện tích, trở thành các công trình thương mại dịch vụ như nhà hàng, bãi đỗ xe... gây ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển TP xanh. Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có gần 70 công viên và vườn hoa, tuy nhiên không ít trong đó còn chậm tiến độ suốt nhiều năm như: Công viên Thiên Văn học, Công viên Hà Đông, Công viên hồ điều hòa Cầu Giấy, Công viên Chu Văn An, Công viên Kim Quy, Công viên hồ Phùng Khoang… gây bức xúc trong dư luận.

Tránh chạy theo chỉ tiêu

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng các sở, ngành có chức năng cần triển khai nhanh chóng một số nhiệm vụ. Trong đó, nghiên cứu phương pháp thống kê một cách chính xác về tỷ lệ cây xanh/người, giữa vùng lõi và vùng ven để xây dựng quy hoạch, có định hướng rõ ràng về quỹ đất dành cho cây xanh công cộng. Đồng thời bổ sung, cập nhật quy chuẩn, tiêu chuẩn, các định mức kỹ thuật để đảm bảo cho việc phát triển công viên cây xanh để thực hiện theo quy hoạch. Mật độ dân cư, diện tích đất giữa quận, huyện ở Hà Nội khác nhau, đặc biệt là 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Do đó, nếu cào bằng để chia tỷ lệ cho đạt chỉ tiêu, GS.TS Hoàng Xuân Cơ lo ngại sẽ xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cây xanh.

Bên cạnh đó, khi thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường đô thị, các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị, hay các dự án, TP cần ưu tiên Chủ đầu tư có phương án tối ưu nhằm hạn chế chặt hạ, dịch chuyển cây xanh hiện hữu trên vỉa hè, dải phân cách và các khu vực công cộng khác của đô thị.

Đối với từng địa phương, các đơn vị cần kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh kịp thời những hành vi gây ảnh hưởng đến quy hoạch đất công viên cây xanh. Nghiên cứu và đưa ra đề xuất về cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư phát triển công viên cây xanh trong đô thị. Việc tạo thêm nguồn lực kinh tế cũng là phương án khả thi, góp phần thay thế cây già cỗi, còi cọc, cong, nghiêng không đạt yêu cầu thẩm mỹ và kém phát huy tác dụng cải thiện môi trường, có nguy cơ không bảo đảm an toàn, nguy cơ gãy đổ.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, trách nhiệm bảo vệ cây xanh của từng cá nhân trong cộng đồng cũng được nâng cao tại dự thảo Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, cụ thể, đơn vị được giao quản lý hệ thống cây xanh sẽ phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ, nhắc nhở kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, mảng xanh nơi công cộng. Xem xét chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

"Để đạt hiệu quả cao hơn trong mục tiêu phát triển TP, tôi kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với những DN, cá nhân cố ý thay đổi mục đích sử dụng đất, dự án dành cho cây xanh công cộng. Đồng thời, những người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm cũng cần phải chịu trách nhiệm" - Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

 

Song song với Dự thảo quy định về quản lý cây xanh đô thị, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đôn đốc các sở, ngành và địa phương về việc thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được duyệt với 3 công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất.