Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp ổn định cung cầu nông sản

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ sau Tết Canh Tý 2020, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Ngành nông nghiệp Hà Nội được nhận định cũng bị ảnh hưởng, dù mức độ chưa lớn.

Tác động chưa đáng lo ngại
Những ngày qua, anh Lê Văn Vượng, chủ vườn hoa ở xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), vừa tất bật chăm sóc 4 sào hoa cúc, vừa nghe ngóng thị trường. Đây là diện tích hoa được gia đình anh canh tác phục vụ xuất sang Trung Quốc dịp Tết Thanh minh (tháng 3 âm lịch). Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, việc tiêu thụ diện tích hoa trên đứng trước nguy cơ gặp khó. “Nếu như mọi năm, thời điểm này đã có một vài hộ đánh tiếng đặt mua hoa cúc để xuất sang Trung Quốc, thì năm nay, vẫn chưa có tiểu thương nào đến hỏi mua” – anh Vượng nói.
Nhiều diện tích hoa cúc tại huyện Mê Linh đứng trước nguy cơ không thể xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Trọng Tùng
Cùng với xuất khẩu hoa, việc nhập khẩu một số mặt hàng, nhất là trái cây từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng khá lớn từ dịch bệnh Covid-19. Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, thời gian qua, việc nhập các lô trái cây từ Trung Quốc về chợ gần như bị ngưng trệ. “Trái cây hiện bán tại chợ chủ yếu là hàng đông lạnh, chứ không có hàng mới về từ Trung Quốc” – ông Nghĩa cho hay.
Mặc dù vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến ngành nông nghiệp Hà Nội nhìn chung chưa quá lớn. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nông sản xuất khẩu của Hà Nội hiện chủ yếu là: Gạo, trứng gia cầm, hồ tiêu, hạt điều… Tuy nhiên, ngoài gạo thì các sản phẩm Hà Nội làm ra để xuất khẩu là không nhiều. Hình thức phổ biến nhất là các DN tạm nhập nông sản từ các tỉnh, TP, rồi tiến hành sơ chế, đóng gói bao bì, nhãn mác và tái xuất khẩu đi các nước.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, dịch Covid-19 đang có nguy cơ khiến Hà Nội thiếu hụt nguồn cung nông sản, thực phẩm. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương tăng cường sản xuất. Đồng thời, đề nghị các DN tăng cường trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại để nhập hàng hóa, nông sản từ các tỉnh, TP lân cận về tiêu thụ tại Thủ đô.

Riêng đối với hoa cúc, việc “nghẽn mạch” xuất khẩu sang thị trường tiềm năng Trung Quốc được cho là không quá đáng lo ngại, do nhu cầu hoa sau Tết Nguyên đán tại thị trường trong nước vẫn tương đối lớn. Dù vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương, nhất là huyện Mê Linh, thường xuyên nắm bắt tình hình để kịp thời có giải pháp hỗ trợ người nông dân.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, dịch bệnh Covid-19 đặt ra đòi hỏi việc nâng cao chất lượng nông sản và thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng mà TP có lợi thế như gạo, trứng gia cầm, hoa… Để làm được điều này, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Điều này sẽ giúp tạo ra những nông sản, thực phẩm có chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng cho Hà Nội nói riêng, trong nước nói chung và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, theo ông Tường, việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, đặc biệt là xây dựng các chợ đầu mối nông sản là rất cần thiết. Đây sẽ là cầu nối thương mại quan trọng giúp tạo đầu ra ổn định và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy thương mại nông sản cho Hà Nội, tránh việc phụ thuộc vào một thị trường nhiều biến động mà điển hình là Trung Quốc.