Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa vượt qua cú sốc của vụ tấn công khủng bố tại Paris,...

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa vượt qua cú sốc của vụ tấn công khủng bố tại Paris, kinh tế toàn cầu chưa hồi phục vững chắc, Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 23 (APEC 23) với chủ đề “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” diễn ra tại thủ đô Manila (Philippines) tạo cơ hội để lãnh đạo các nước thành viên thảo luận về những thách thức an ninh, kinh tế quan trọng quyết định tới tương lai khu vực.

Bất chấp các biện pháp đảm bảo an ninh được thắt chặt bên ngoài phòng họp và các nội dung về an ninh được bàn thảo nhiều hơn trên bàn nghị sự, APEC vẫn là tập hợp của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương với hợp tác thương mại là trọng tâm chính. Vì vậy, các nội dung như tăng trưởng bền vững, bao trùm; liên kết kinh tế và hệ thống thương mại đa phương; tăng cường tham gia của DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ… vẫn là nội dung được bàn thảo chủ yếu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tọa đàm với các Tập đoàn Hoa Kỳ trong chương trình Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23 tại Philippines. 	Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tọa đàm với các Tập đoàn Hoa Kỳ trong chương trình Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23 tại Philippines. Ảnh: TTXVN
Ngoài phiên làm việc chính thức và theo chủ đề, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với lãnh đạo của 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên lề Hội nghị thượng đỉnh được nhìn nhận như một bước đi nhằm thúc đẩy tiến trình hiện thực hóa thỏa thuận kinh tế, thương mại lịch sử này.

Xây dựng tương lai tốt đẹp hơn

Với chủ đề “Tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn, vững chắc hơn và gắn kết hơn”, khoảng 1.200 lãnh đạo DN hàng đầu khu vực tham gia Hội nghị thượng đỉnh DN APEC 2015 (16 - 18/11) đã thảo luận các vấn đề lớn đang tác động tới triển vọng phát triển của khu vực, như các thách thức địa chính trị và kinh tế, vấn đề đô thị hóa, xu thế liên kết kinh tế khu vực...

Là lãnh đạo cấp cao duy nhất được mời tham dự, phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại phiên họp về chủ đề “Chiến lược vì tăng trưởng, công bằng và tự cường”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, để châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng bền vững và bao trùm, phải đảm bảo các điều kiện cần, đủ. Đó là nỗ lực xóa nghèo bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế; thực hiện hiệu quả an sinh xã hội bền vững; đẩy mạnh cải cách thể chế và cơ cấu; thúc đẩy các mối quan hệ đối tác hiệu quả, trong đó có việc hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng và kết nối của các thành viên như Tầm nhìn ASEAN 2025, tiểu vùng Mekong...

Việt Nam - điểm kết nối quan trọng

Trao đổi với các DN về triển vọng kinh tế của Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Với việc hoàn tất đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do trong năm 2015, Việt Nam đang trở thành điểm kết nối quan trọng của các mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Tại Hội nghị, đại diện các DN đều đánh giá cao những kết quả tích cực của Việt Nam trong nỗ lực đổi mới sâu rộng, tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, với những bước đi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và khẳng định sẽ tăng cường các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Biển Đông “nóng” bên lề hội nghị

Dù không được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị thưởng đỉnh APEC vì nhiều lý do khác nhau, nhưng Biển Đông vẫn là chủ đề “hâm nóng” các cuộc gặp bên lề. Trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Barack Obama kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã thảo luận về tình hình Biển Đông - vấn đề Australia thường tránh né nhằm cân bằng lợi ích trong mối quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản với Trung Quốc. Và từ chỗ “chia sẻ mối quan tâm về tình hình Biển Đông” với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Turnbull lần đầu tiên khẳng định sẽ cùng Mỹ thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Tại các cuộc bên lề song phương và đa phương khác, các nhà lãnh đạo của một số nước đã bày tỏ quan ngại đối với những diễn biến tại Biển Đông thời gian qua. Đồng thời kêu gọi các quốc gia tuân thủ Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời hối thúc Trung Quốc và các nước ASEAN nhanh chóng đưa ra bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).