Kinhtedothi - Bà Phan Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giao dịch Vietinbank dẫn câu chuyện, năm 2012, Tập đoàn Viettel ký hợp đồng nhập khẩu linh kiện điện thoại trị giá 1,2 triệu USD với Tập đoàn TCL (một tập đoàn điện tử lớn của Trung Quốc). Tuy nhiên, sản phẩm sau khi lắp ráp lại không dùng được. Sau đó, hai bên phải đưa vụ việc ra tòa. Dựa trên quyết định của tòa án, Vietinbank đã dừng thanh toán, nhưng sau đó TCL đã kiện Vietinbank và Viettel ra trọng tài quốc tế. Sau khi nghe trình bày lý lẽ, trọng tài quốc tế đã bác đơn kiện của TCL.
Đây không phải lần đầu DN Việt Nam rơi vào tình cảnh này. Theo báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), thời gian gần đây, rộ lên tình trạng DN Trung Quốc đẩy mạnh thu mua nhiều mặt hàng nông, thủy sản đặc biệt là tôm nguyên liệu… Trong quá trình thu mua, các DN Trung Quốc ít quan tâm đến chất lượng tôm, đặc biệt là lượng kháng sinh trong tôm nguyên liệu, mặc dù đây là một trong những tiêu chí quan trọng khi xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường châu Âu, châu Mỹ. Việc thu mua này sẽ khiến nguy cơ không kiểm soát được về chất lượng, đặc biệt là kháng sinh và tạp chất làm ảnh hưởng đến hình ảnh tôm Việt Nam Không ít DN Trung Quốc trong quá trình giao dịch, thanh toán hầu như không theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là mở chứng thư bảo đảm (L/C), mà chủ yếu bằng hình thức, hàng tới cảng của Trung Quốc, DN Trung Quốc mới thanh toán tiền. Điều này đã tạo cơ hội cho DN Trung Quốc thoái thác thực hiện hợp đồng đã ký. Trước những vấn đề trên, ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN và trang trại nông dân, nông thôn Việt Nam cảnh báo: DN và chủ các trang trại nuôi, trồng cần thận trọng vì đến một lúc nào đó, nếu DN trong nước chỉ tập trung vào những đầu mối này sẽ khó tránh khỏi việc đối tác Trung Quốc bất ngờ dừng hợp đồng. Khi đó DN cũng không thể tìm khách hàng để tiêu thụ số hàng này, dẫn đến thua lỗ. Nhằm hạn chế những bất trắc trong hoạt động xuất nhập khẩu với thương nhân Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến cáo: Với những đối tác lần đầu tiếp xúc, DN nên đề nghị cung cấp giấy phép kinh doanh do Cục Quản lý hành chính công thương Trung Quốc cấp. Trong quá trình ký kết, DN không nên sử dụng các mẫu hợp đồng của phía đối tác vì các điều khoản chế tài thường có lợi cho phía họ; Hợp đồng cần ghi rõ trường hợp có tranh chấp thì trọng tài phân xử sẽ của Việt Nam hoặc một nước thứ ba. Thực tế cho thấy, DN trong nước nên tận dụng tối đa các kênh thương vụ của Việt Nam tại Trung Quốc để nắm thông tin thị trường, đối tác; Tăng cường xúc tiến thương mại thông qua tham dự các hội chợ triển lãm, từ đó nắm bắt thị hiếu thị trường, các đầu mối trực tiếp tiêu thụ hàng hóa, qua đó giảm thiểu tối đa nhưng bất trắc trong giao dịch kinh tế...