Có vẻ như sau thời gian dài vùng vẫy trong “khủng hoảng”, sân khấu kịch bắt đầu tìm lại được chỗ đứng của mình.
Tất bật dựng vở
Câu chuyện của vị đạo diễn “lão làng” sân khấu phía Bắc Doãn Hoàng Giang những năm gần đây vẫn là sự hồi tưởng về thời hoàng kim của sân khấu kịch ngày nào. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang luôn khát khao một ngày Hà Nội lại có những vở diễn mà khán giả phải xếp hàng dài 2 cây số chờ mua vé như vở chèo “Nàng Sita” những năm 80 của thế kỷ trước. Hai năm trở lại đây, sân khấu kịch mỏi mắt mà không có được “cơn khát” vé ngày nào, nhưng cũng đã có nhiều vở diễn được gọi là “hiện tượng”. Từ đầu năm 2015, các Nhà hát tại Thủ đô tất bật với đủ vở diễn cùng nhiều đề tài như: “Những chấn động còn lại” và “Biến dạng”, “Mai Hắc Đế”, “Bom nổ chậm”, “Lặng lẽ dòng đời”…
Hồi tháng 7/2015, người làm nghề lại được một dịp hân hoan khi chứng kiến hơn 10 đêm diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Khán giả nườm nượp đón xem 27 vở diễn của 20 đoàn nghệ thuật trong Liên hoan sâu khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân. Người ta chứng kiến một cuộc hội ngộ nhiều anh tài của làng sân khấu Việt, cả về đạo diễn, biên kịch lẫn nghệ sĩ, diễn viên ở mảng đề tài vốn rất cuốn hút với công chúng dù luôn là một thử thách sáng tạo. Nhưng sự thành công của chính kịch trong năm vừa qua được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Bởi đã lâu lắm, sân khấu Hà Nội mới có một vở kịch được báo chí nhắc nhiều đến thế. Đặc biệt, “Hamlet” là vở diễn đầu tiên ở sân khấu phía Bắc được "phát giá" 1 triệu đồng/vé, nhưng lại bán hết trước đêm diễn tới 2 tuần. Đây không chỉ là thành công hơn cả mong đợi của ê kip làm “Hamlet” và Nhà hát Kịch Việt Nam, mà còn là một "sự kiện" vui cho sân khấu kịch Thủ đô trong hành trình tìm lại chỗ đứng.
Vì sao chính kịch trở lại?
Khi nhắc đến sân khấu, nhiều người vẫn có phép so sánh giữa sân khấu Bắc và sân khấu Nam. Hà Nội có nhiều Nhà hát, sân khấu nhất, nhưng hầu hết "tối lửa tắt đèn" quanh năm. Cũng chỉ vì tư duy làm sân khấu phía Bắc dựa chính vào “bầu sữa mẹ” - vốn đầu tư của Nhà nước. Mỗi năm, Nhà hát lựa chọn 1 - 2 vở để dàn dựng cho đủ chỉ tiêu. Khi vở diễn hoàn thành, Nhà hát sẽ mời lãnh đạo Bộ, ban, ngành, Hội nghệ sĩ đến dự tổng duyệt, diễn báo cáo. Cũng cờ hoa phấp phới, diễn văn chào mừng, nghệ sĩ và khán giả (chủ yếu là khách mời) xênh xang áo váy, chúc tụng..., nhưng sau đó vở diễn gần như “đắp chiếu” và chìm dần vào quên lãng.
Trở lại với câu chuyện “cháy vé” của “Hamlet" của Nhà hát Kịch Việt Nam, hay hiện tượng "diễn thêm" của Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ, Liên hoan sâu khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân để thấy một khía cạnh khác của sân khấu kịch. Khi Nhà nước dập dìu kế hoạch xã hội hóa các đoàn nghệ thuật, nhiều Nhà hát đã bắt đầu tính đến tư duy bươn chải để sống. Chính vì vậy, các vở diễn đã được đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, đội ngũ đạo diễn, diễn viên. “Hamlet” được đầu tư dàn dựng hơn 1 tỷ đồng được coi là cuộc chơi “khủng”; ngoài ra, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng chịu chơi với một dàn đạo diễn, cố vấn, họa sĩ, thiết kế trang phục chuyên nghiệp để biến câu chuyện không bao giờ cũ của đại văn hào William Shakespeare trở nên hấp dẫn với khán giả hôm nay. Hơn nữa ngay từ đầu, Nhà hát Kịch Việt Nam đã đầu tư công phu, bài bản cho công tác truyền thông: Từ khi vở diễn được khởi dựng, trên trang web chính thức của Nhà hát liên tục cập nhật tiến độ vở diễn, hình ảnh và hoạt động của các nghệ sĩ liên quan đến vở diễn. Không những thế, Phòng Đối ngoại của Nhà hát đã cử hẳn một cán bộ phụ trách việc đăng bài viết, hình ảnh trên Facebook - vốn đã trở thành một “cửa sổ thông tin” với nhiều người. Tương tự như Nhà hát Kịch Việt Nam, một số liên hoan sân khấu gần đây có sức hút với khán giả cũng nhờ bàn tay PR của các công ty tổ chức biểu diễn như Đông Đô Show, Viet Max. Những thông tin về vé bán, đêm diễn; cho đến hình ảnh của nghệ sĩ được cập nhật thường xuyên trên các trang web, mạng xã hội. Cũng vì thế, khán giả biết đến sân khấu nhiều hơn.
Nhìn vào sự trở lại của các vở chính kịch trong thời gian gần đây có thể khẳng định, khán giả không quay lưng với sân khấu nếu các Nhà hát có vở diễn chất lượng, truyền thông bài bản đến người xem.
Một cảnh trong vở ''Những chấn động còn lại''.
|