Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh để tìm ra căn nguyên và lời giải cho vấn đề này.
Một lần chậm chuyến, tất cả cùng khổ
Cục Hàng không Việt Nam vừa đưa ra thống kê về tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong tháng 7/2022 với những con số đáng lo ngại khi tỷ lệ chuyến bay đúng giờ chỉ đạt 86,4%, giảm 8,4 điểm % so với năm 2021. Ông đánh giá gì về điều này?
- Tình trạng máy bay chậm, hủy chuyến ở nước ta là câu chuyện đã được nói đến từ rất nhiều năm nay nhưng không có cách giải quyết. Khi một vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của hành khách cũng như nhiều cơ quan, đơn vị liên quan mà để kéo dài là điều khó chấp nhận, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, các DN nói chung và DN hàng không nói riêng phải hết sức chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thương trường.
Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng không điều kiện để phục hồi trở lại với lượng hành khách gia tăng nhanh chóng, nhất là trong cao điểm Hè vừa qua. Tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy gia tăng cũng là điều có thể lý giải được. Nhưng nếu tiếp tục để vấn đề này nóng lên và kéo dài trong thời gian tới sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả xấu, ảnh hưởng đến sự phục hồi cũng như phát triển của hàng không Việt Nam.
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến tình trạng chậm, hủy chuyến bay ở nước ta có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây?
- Đầu tiên, chúng ta phải thấy rằng, hàng không là một lĩnh vực có đặc thù riêng. Đi kèm với mỗi chuyến bay là nhiều dịch vụ khác nhau. Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, tất cả những DN cung ứng dịch vụ cho các chuyến bay như trên đều bị thiệt hại.
Khi dịch bệnh đi qua, vấn đề lớn nhất họ phải đối mặt là thiếu nhân lực, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ. Các dịch vụ đi kèm cho mỗi chuyến bay như một chuỗi liên kết mật thiết và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chỉ cần một mắt xích trong chuỗi dịch vụ này gặp vấn đề thì cả chuỗi dịch vụ bị trục trặc. Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay.
Một nguyên nhân lớn nữa bắt nguồn từ chính các hãng hàng không. Tất cả các hãng bay đều muốn nhanh chóng được quay đầu máy bay, chuyển sang chuyến bay khác trong thời gian ngắn nhất để tăng tối đa công suất khai thác. Nhưng càng những chuyến về sau, tỷ lệ chậm chuyến càng cao. Vậy đâu là lý do khiến tình trạng chậm giờ bay xảy ra? Chắc chắn không phải do hành khách mà bắt nguồn từ việc máy bay của hãng đó không về đúng giờ hoặc xảy ra một trục trặc nào đó.
Đâu là giải pháp?
Thưa ông, hàng không là lĩnh vực vận tải dẫn đầu về tốc độ di chuyển nên ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, tình trạng chậm, chủy chuyến đang kéo lùi sự phát triển của hàng không bởi những hệ lụy gây ra?
- Khi có chuyến bay bị chậm sẽ kéo theo nhiều chuyến khác sau đó chậm theo. Đó là hệ quả dây chuyền khi một khâu trong hệ thống bị lỗi. Điều đáng lo ngại nhất là khi tình trạng chậm, hủy chuyến bay xảy ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận hành khách đi trên chuyến bay đó mà kéo theo hàng loạt những vấn đề về an ninh, an toàn hàng không, về chất lượng dịch vụ ở sân bay... Cứ nhìn vào cảnh hàng trăm người vật vạ chờ đợi ở sân bay trong tình trạng mệt mỏi, chán nản cũng đủ thấy điều này.
Bởi vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không như Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam... cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay hiện nay.
Tất nhiên, để chấm dứt hoàn toàn vấn đề này là điều rất khó bởi ngay cả trong điều kiện bình thường, tỷ lệ bay đúng giờ bình quân của hàng không thế giới cũng chưa bao giờ đạt được con số tuyệt đối. Muốn đưa hàng không Việt Nam trở lại đúng quỹ đạo, sớm phục hồi hoàn toàn để lấy lại đà tăng trưởng như trước kia phải kéo giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay là điều bắt buộc phải làm và phải làm càng sớm càng tốt.
Theo ông, đâu là lời giải thật sự cho vấn để chậm, hủy chuyến bay trong ngành hàng không nước ta hiện nay?
- Việc xây dựng lại kế hoạch khai thác đội bay hợp lý là điều nên làm. Ngay cả khi tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay ở mức thấp thì xây dựng kế hoạch bay hợp lý, khoa học vẫn luôn là điều các hãng hàng không phải làm.
Theo tôi, để các hãng bay có được kế hoạch bay hợp lý, điều đầu tiên phải rà soát lại slot được cấp của tất cả hãng hàng không rồi đối chiếu với giờ bay thật mà chuyến bay của các hãng thực hiện trên thực tế rồi điều chỉnh kế hoạch bay cho phù hợp để làm sao tỷ lệ hoãn chuyến, chậm trễ chuyến giảm một cách thấp nhất.
Cục Hàng không Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này bởi ngày giờ bay của tất cả chuyến bay đều được ghi chép đầy đủ. Qua đối chiếu có thể thấy hãng nào khai thác đúng slot, hãng nào hay chậm trễ hoặc không khai thác hết các slot được cấp.
Trên thực tế, có trường hợp hãng bay khai thác không hết slot được cấp nhưng họ vẫn lên lịch bán vé rồi sau đó thực hiện gom khách, dồn chuyến. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến.
Bên cạnh đó, ngành hàng không cần có sự đầu tư, nâng cấp hạ tầng để nâng cao công suất khai thác của các sân bay, nhất là những sân bay lớn như Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hiện nay, hạ tầng cả hai sân bay này đều đang trong tình trạng quá tải. Ngay cả khi hai sân bay hoàn thành xong dự án cải tạo, nâng cấp đường băng có thể vẫn còn nhiều hạng mục khác cần nâng cấp để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.
Có ý kiến cho rằng cần có chế tài mạnh hơn đối với các hãng bay thường xuyên để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến bằng cách cắt bớt slot bay được cấp. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?
- Theo tôi đây là điều không nên làm. Không nên đặt vấn đề cắt giảm chuyến bay, hay giảm slot bay bởi không hãng bay nào muốn xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến vì họ sẽ bị thiệt hại đầu tiên, cả về kinh tế và uy tín. Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, sự cạnh tranh và đào thải là rất lớn. Bản thân người đi máy bay cũng có ý thức rõ ràng về chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không.
Tôi chắc rằng một khi hãng bay nào chất lượng phục vụ không tốt, thường xuyên để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến sớm muộn cũng bị hành khách rời bỏ, thậm chí tẩy chay, kể cả khi đi những hãng bay đó hành khách sẽ có lợi thế về giá.
Xin cảm ơn ông!
Trong tháng 7/2022, tháng cao điểm với lượng khách đông nhất của hàng không Việt Nam nhiều năm gần đây, có tổng số 27.185/33.238 chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam cất cánh đúng giờ, chiếm tỷ lệ 81,8%. Trong đó, các chuyến bay bị chậm là 6.053, chiếm tỷ lệ 18,2%, tăng 16% và có 41 chuyến bay bị hủy, chiếm 0,12%, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.