Kinhtedothi - Cách đây gần hai năm, khi thị trường tăng trưởng nóng, tín dụng cho bất động sản (BĐS) đột ngột bị thắt chặt khiến cho không ít doanh nghiệp nhà đất rơi vào tình trạng lao đao, sống dở chết dở. Còn hiện nay, không chỉ quy định hạn chế tín dụng này được bãi bỏ, mà các ngân hàng còn đua nhau đưa ra nhiều chương trình, gói hỗ trợ tín dụng cho hoạt động đầu tư xây dựng phát triển, mua bán sản phẩm BĐS. Thậm chí, tín dụng còn được coi là đòn bẩy, thúc đẩy thị trường.
“Cú hích” từ các gói hỗ trợ
Được triển khai từ tháng 6/2013, đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 10% với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng cho 3.400 khách hàng, song các chuyên gia đều nhìn nhận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực sự là một "cú hích" cho thị trường BĐS.
Ông Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: "Gói 30.000 tỷ đồng đã tạo ra những hiệu ứng nhất định. Hình thành nên một thị phần nhà ở đúng với khả năng chi trả của người dân. Góp phần kéo giá BĐS xuống thấp, tạo đòn bẩy để thị trường tan băng".
Với những kết quả thực sự tích cực đó, mới đây, Bộ Xây dựng cũng cho biết, đang kiến nghị với Chính phủ nới rộng hơn quy định, tăng tốc độ giải ngân và khả năng tiếp cận cho người dân. "Kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình từ 10 năm lên 15 năm; Mở rộng đối tượng vay vốn đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá); Mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không vượt quá 840 triệu đồng (80% x 1,05 tỷ đồng); Mở rộng cho vay đối với các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ); Không giới hạn về quy mô và thời gian triển khai thực hiện của gói tín dụng ưu đãi cho vay hỗ trợ nhà ở; Bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước được phép tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng" - ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết về những nội dung chính của đề xuất này.
Khơi thông dòng chảy vốn
Tiếp theo gói 30.000 tỷ đồng, vừa qua, thị trường lại lần nữa được hâm nóng bởi sự ra đời của gói 50.000 tỷ đồng với mô hình liên kết 4 nhà: Ngân hàng, nhà thầu, nhà cung ứng VLXD và chủ đầu tư. Đây là gói tín dụng thương mại trong sản xuất, giúp các doanh nghiệp vượt khó, dự án dở dang có cơ hội về đích. Bởi điểm đặc biệt của gói tín dụng này là doanh nghiệp được khoanh nợ để tiếp tục vay triển khai dự án. Bên cạnh đó, các bên tham gia: Chủ đầu tư, nhà cung cấp VLXD, nhà thầu sẽ ký kết khép kín với nhau trên cùng một hợp đồng. Ngân hàng đứng ra điều tiết, quản lý mô hình, dòng tiền đi đúng mục đích. Nhờ vậy, giá thành đầu tư giảm, dẫn đến giảm giá bán sản phẩm.
Thực tế hiện nay, tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng còn nhiều hạn chế, nên gói 50.000 tỷ đồng hay 100.000 tỷ đồng có khơi thông được dòng chảy đang bị tắc trong lĩnh vực VLXD, BĐS hay không vẫn còn là điều đáng nghi ngại. Tuy nhiên, dù là 30.000 tỷ hay 50.000 tỷ, 70.000 tỷ, 100.000 tỷ, thậm chí 120.000 tỷ, bất kỳ giá trị tín dụng nào, cụ thể hay không cụ thể thì động thái này cũng cho thấy, các ngân hàng đang rất nỗ lực hướng đến các gói tín dụng cho BĐS, thúc đẩy thị trường phát triển, thay đổi nền kinh tế.
"Không quan trọng là số tiền bao nhiêu: 30.000 tỷ, 50.000 tỷ hay 70.000 tỷ... Nếu triển khai tốt, các đối tác, doanh nghiệp vận hành nghiêm túc thì hiệu quả sẽ rất tốt. Khi triển khai tốt thì dòng tiền sẽ phình to ra. Và ngược lại, nếu triển khai không tốt thì chắc chắn chương trình tín dụng này sẽ bé đi" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói.
Thậm chí, ngay cả GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&MT, người tỏ ra còn nhiều hoài nghi về các gói tín dụng cũng phải thừa nhận, tín dụng luôn có sự tác động nhất định đến thị trường: "Bất kỳ một đồng tiền nào bỏ thêm vào thị trường BĐS đều có lợi cho thị trường. Thị trường thêm vốn, tăng niềm tin. Gói 50.000 tỷ đồng đã và đang làm được điều đó".
Mặt khác, theo đánh giá của một tổ chức quốc tế thì Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục tiến hành rà soát tình hình tài chính của thị trường BĐS, với mục tiêu quan trọng và cần thiết là để tín dụng chảy vào lĩnh vực này. Và thực tế, BĐS vẫn có nhiều cơ sở để chờ đợi, bởi ngân hàng đã, đang huy động được rất nhiều vốn nhưng chưa thể giải ngân và luân chuyển, tái tạo dòng vốn.
Như vậy, có thể nói rằng, từ việc thắt chặt đến nới lại tín dụng cho lĩnh vực BĐS, thị trường cũng thay đổi theo từng thời điểm nới - thắt đó, càng cho thấy tầm quan trọng, tác động thúc đẩy của tín dụng đối với thị trường BĐS. Với tình hình hiện nay, tín dụng có lẽ sẽ là kênh hiệu quả giúp BĐS chuyển động với đủ tầm và lực.
Ngày 23/4/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số 2848/NHNN-TD gửi các ngân hàng thương mại: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, MHB, VNCB, SHB, LienvietPostbank về việc triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà (chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp VLXD và nhà băng) nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho vật liệu xây dựng và BĐS. Phạm vi áp dụng của chương trình này không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực BĐS mà áp dụng chung trong xây dựng cơ bản, bao gồm cả một số dự án, công trình giao thông, năng lượng. Nguồn vốn do các ngân hàng tự huy động, không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, và việc cho vay hoàn toàn theo khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của ngân hàng. Sau thời gian thí điểm, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá để tiếp tục triển khai sản phẩm này. |
Khu đô thị Đặng Xá II, Gia Lâm. Ảnh: Linh Anh
|
|