Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,81%
Trước những diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN và ngành ngân hàng đã chủ động sớm triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch.Tính đến 14/9/2020, thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310.000 khách hàng.Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế nhưng cầu tín dụng còn rất yếu do tác động của dịch Covid-19. Tính đến ngày 16/9, tín dụng chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra từ đầu năm thì dư nợ tín dụng toàn ngành năm 2020 là 14%. Theo TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với đà tăng trưởng tín dụng và tình hình thị trường hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ khó tăng mạnh trong nửa cuối năm và ngân hàng chưa hẳn đã sử dụng hết room tín dụng được nới thêm, thậm chí còn phải thận trọng hơn khi cho vay để tránh nợ xấu tăng. Thực tế trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng vẫn đối mặt với tăng trưởng tín dụng âm như Agribank (-1,3%), SeABank (-1%), Saigonbank (-2,97%)… hay không tăng như BAC A BANK.Liên quan đến giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ nay đến cuối năm, nếu các ngân hàng có đề nghị điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ xem xét cho phép nới tỷ lệ tăng trưởng, tuy nhiên mở rộng tín dụng phải đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả. Lãi suất giảm trong thời gian tớiHiện, Chính phủ và Ngân hàng T.Ư nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn. Sau lần giảm một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động VND vào tháng 3, NHNN tiếp tục hạ nhiều loại lãi suất điều hành từ ngày 13/5/2020. Sau 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm, NHNN đã hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN. Ngoài ra, NHNN cũng giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của DN và người dân.Về định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ chỉ đạo TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế; đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN chủ trương cố gắng phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Do đó, NHNN điều hành thanh khoản tạo thuận lợi nhất cho các TCTD sẵn sàng có nguồn vốn để cung cấp tín dụng, hạn chế việc tăng lãi suất huy động trên thị trường để lấy nguồn vốn cho vay. "Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho các TCTD có nguồn cho vay" - Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Tăng trưởng tín dụng 4,81% còn khá khiêm tốn so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 14% (dựa trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,8% và lạm phát dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm). Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, con số tăng trưởng nói trên có thể xem là điểm sáng trong nỗ lực của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế. TS Nguyễn Trí Hiếu |