Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín hiệu khả quan từ nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015, các thành viên Chính phủ nhận định, những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế tiếp tục rõ hơn trong những tháng đầu năm 2015.

Nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào, đặc biệt giá cả thị trường trong và sau Tết khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm,Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng cao về lượng, cho thấy sức tăng trở lại của tổng cầu.

Nhiều thách thức ngay đầu năm

Những diễn biến về CPI tháng 2/2015 (tháng có Tết Nguyên đán) lần đầu tiên giảm sau nhiều năm (giảm 0,05% so với tháng 1/2015), và là tháng giảm thứ tư liên tiếp, đã được Chính phủ làm rõ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2015. Các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, CPI giảm liên tiếp không phải là hiện tượng giảm phát của nền kinh tế mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng, dầu, gas trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới, tác động làm giảm chỉ số giá các nhóm hàng giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng. Trong khi đó, tình hình sản xuất trong nước 2 tháng đầu năm vẫn phát triển tốt, sức mua (thể hiện qua tổng mức bán lẻ) tăng cao (nếu loại trừ yếu tố giá thì tháng 2/1015 tăng 10,7%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2014 là 6,2%; năm 2013 là 3,6%). Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ tăng 5,4%)…
Tín hiệu khả quan từ nền kinh tế - Ảnh 1

 
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, diễn biến lạm phát những năm gần đây cho thấy thời cơ quan trọng để nền kinh tế có thể chuyển vào giai đoạn tăng trưởng ổn định với tốc độ cao hơn lạm phát.

Tuy nhiên, những thông tin về việc giá điện có khả năng tăng được nhiều người dân quan tâm khi đây là một trong những mặt hàng thiết yếu có tác động không nhỏ đến các ngành hàng khác. Tại buổi họp báo sau Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  đã đề xuất tăng 9,5%. Mặc dù trước Tết Nguyên đán điện đã có đủ các yếu tố tăng giá (giá than đã tăng 22%, giá khí đã 5 lần điều chỉnh tăng, phí môi trường tăng từ 2% lên 4%), nhưng để bảo đảm ổn định nền kinh tế, Chính phủ vẫn chưa quyết định tăng giá. Tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm tra, thẩm định báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2015. Quan điểm thống nhất của Chính phủ đó là cương quyết thực hiện lộ trình giá bán điện tiến dần đến giá thị trường.

Trong khi đó, giá một mặt hàng thiết yếu khác sau một thời gian dài giảm giá liên tục, giá xăng dầu trong nước lại đang đứng trước khả năng tăng giá mạnh trở lại khi giá thế giới không ngừng vọt cao. Theo tổng hợp mới nhất giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày gần đây (từ ngày 9 - 23/2/2015) tăng khoảng 20,5% (khoảng 11,555 USD/thùng). Với mức giá trên, giá bán hiện hành xăng dầu trong nước đang âm so với giá cơ sở lên tới hơn 2.000 đồng/lít. Theo đó, đối với xăng RON 92 đang âm gần 2.500 đồng/lít; dầu diezen 0,05S âm 1.922 đồng/lít; dầu hoả âm 1.935 đồng/lít.

Tại phiên họp này, Chính phủ tiếp tục yêu tiếp tục theo dõi tùy vào diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước, chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về thuế, Quỹ Bình ổn giá, giá bán lẻ để bình ổn giá xăng dầu. Trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, DN và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

“Không thể chấp nhận vị trí hiện tại về môi trường kinh doanh”

Đó là ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ đề cập đến khi nhấn mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục phải cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Không có lý do gì không cải thiện được môi trường kinh doanh, ít nhất cũng phải bằng mức trung bình của các nước ASEAN - 6 vào cuối năm 2015”, trên tinh thần này, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến nội dung dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015. Trong đó, những công việc, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương là các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm cho từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chính phủ để đánh giá nỗ lực cải cách, hoàn thành nhiệm vụ.

Cụ thể, đến hết năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN - 6: Thời gian nộp thuế còn 121,5 giờ (hiện là 247 giờ); thời gian nộp bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ (hiện là 235 giờ); số DN kê khai thuế điện tử đạt 95%, nộp thuế điện tử tối thiểu 90%; giảm mạnh thời gian thông quan với hàng xuất khẩu (tối đa 13 ngày), hàng nhập khẩu (14 ngày); thành lập DN tối đa 6 ngày; tiếp cận điện năng còn 36 ngày (hiện là 70 ngày); phá sản DN còn 30 tháng (hiện là 60 tháng).

Để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong xu thế hội nhập sâu rộng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị xem xét, nghiên cứu cơ chế khuyến khích, ưu đãi tín dụng, thuế cho các DN mới khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới. Đồng thời cần thông thoáng hơn về cơ chế hoạt động liên quan đến chuyên môn, nhân lực, liên doanh liên kết đối với những đơn vị sự nghiệp tự chủ, nhất là trong y tế, giáo dục…

“Việc giải quyết dứt điểm từng vấn đề trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có ý nghĩa quyết định đối với phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.            
Tại buổi họp báo sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nêu quan điểm, việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng. Cùng với công điện về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Chính phủ mới đây cũng đã có công văn yêu cầu Bộ VHTT & DL và các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo để bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;… đồng thời tìm lại, chọn lọc những giá trị văn hóa cần bảo lưu, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh, bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia.