Hoạt đông sản xuất tại Trung Quốc đã tăng trở lại vào tháng 3, đạt mức cao nhất trong một năm, dấu hiệu cho thấy đà phục hồi kinh tế của nước này đang tăng mạnh.
Tín hiệu tích cực này đến trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực cải thiện kinh tế, vực dậy niềm tin người tiêu dùng, nhà đầu tư nội địa cũng như nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn lo ngại về những điểm yếu trong cơ cấu tăng trưởng.
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố vào hôm Chủ nhật, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc - bao gồm nhu cầu mua hàng thị trường nội địa và nước ngoài - đã đạt 50,8 trong tháng 3 từ mức 49,1 vào tháng 2. Con số trên đã vượt qua mức 49,9 theo dự đoán của thị trường và cũng là dấu hiệu cho thấy hoạt động nền kinh tế đang mở rộng, chấm dứt 5 tháng suy thoái liên tiếp.
Trong đó, chỉ số về đơn đặt hàng mới tại thị trường nội địa đã tăng từ mức 49 trong tháng 2 lên 53 trong tháng 3. Chỉ số về đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng lên 51,3 trong tháng 3, cho thấy nhu cầu tại thị trường nước ngoài đang phục hồi.
PMI phi sản xuất của Trung Quốc – thước đo đối với lĩnh vực dịch vụ và xây dựng – đã đạt 53 trong tháng 3, tăng từ mức 51,4 trong tháng 2, đánh dấu mức tăng trong tháng thứ tư liên tiếp. Trong đó, lĩnh vực xây dựng chứng kiến mức tăng chỉ từ 53,5 trong tháng 2 lên 56,2 trong tháng 3. Đối với lĩnh vực xây dựng, chỉ số này tăng 51 lên 52,4 trong khoảng thời gian tương tự.
Zhao Qinghe, chuyên gia cấp cao của NBS cho biết: “Vào tháng 3, thị trường đã bắt đầu phục hồi khi các công ty đẩy mạnh khôi phục sản xuất sau Tết Nguyên đán”.
Ông cho biết lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng mạnh hơn trong tháng 3 khi 15/21 ngành gia tăng sản xuất, tăng so với 5 tháng trước.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, kết quả khảo sát cũng cho thấy các công ty vẫn đang phải đối mặt với một số hạn chế trong sản xuất, vận hành, ví dụ như thiếu vốn và nhân lực.
Chỉ số PMI sản xuất tháng 3 đối với một nhóm các chỉ số kinh tế hàng đầu như: sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định – trong hai tháng đầu năm, đã vượt xa dự đoán của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, những lo ngại vẫn còn tồn tại khi khủng hoảng bất động sản và nợ công chưa có dấu hiệu lắng xuống. Không những vậy, trong những năm gần đây, có nhiều nhận định cho thấy thị trường Trung Quốc đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư do phục hồi kinh tế chậm, môi trường kinh doanh thiếu ổn định và rủi ro chính trị.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tăng cường mời gọi những các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại quốc gia tỷ dân.
Trong một cuộc gặp với phái đoàn doanh nghiệp Mỹ vào ngày 27/3, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang ổn định, đồng thời bác bỏ những quan điểm cho rằng quốc gia tỷ dân đang đi xuống hay đã đạt đến giới hạn.
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2024, tương tự như năm ngoái và phù hợp với dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu này vẫn khó có thể đạt được trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài, khu vực tư nhân bất ổn, và sụt giảm niềm tin nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng, phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày 24/3, Thủ tướng Lý Cường cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều chính sách hơn để hỗ trợ tăng trưởng, giảm thiểu rủi ro và cải thiện môi trường kinh doanh.