Giá vàng SJC quay đầu giảm mạnh
Giá vàng thế giới trong ngày 11/5 giao ngay ở mức 2.360,22 USD/ounce, chênh lệch 7,62 USD/ounce so với giá vàng ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 11/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 88,8 – 91,3 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm mạnh 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 87,7 – 89,2 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 2,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm mạnh 2,2 triệu đồng/lượng bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 75,43 – 76,93 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giao dịch hàng hoá 4 tháng đầu năm tăng trưởng 21,5%
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch hàng hóa trong tháng 4/2024 tăng 18,4% so với tháng 3/2024 và tăng 65% so với tháng 4/2023. Khối lượng giao dịch lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 tại MXV tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số MXV-Index đóng cửa tháng 4 tăng 2,6% lên mức 2.297 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 6.983 tỷ đồng/ngày. Trong đó, ngày 19/4 ghi nhận giá trị giao dịch lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, đạt gần 11.000 tỷ đồng.
Mặc dù chỉ số chung không thay đổi nhiều, nhưng tháng 4 đã chứng kiến những biến động rất lớn đối với giá nhiều loại hàng hóa nguyên liệu quan trọng. Giá cà phê Robusta trên Sở ICE tăng 21,9% lên mức kỷ lục 4.241 USD/tấn. Giá cacao có thời điểm đạt 11.878 USD/tấn, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo thô trên Sở Chicago cũng tăng 15,5% lên 371 USD/tấn.
Chính phủ yêu cầu xử lý việc đầu cơ, thao túng giá vàng
Trong bối cảnh tình hình giá vàng trên thế giới tăng cao, trong nước, quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế còn chênh lệch ở mức cao, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường.
Nhà điều hành phải xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế, đồng thời kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng...
4 tháng đầu năm, xuất khẩu quế thu về 65,2 triệu USD
Tính chung, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 22.352 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 9,4% và giá trị giảm 11%.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam đạt 6.132 tấn, chiếm 27,4%, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 32,9%. Hoa Kỳ thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 đạt 3.137 tấn, chiếm 14% và tăng 13,9%; Bangladesh đứng thứ 3 đạt 2.042 tấn, chiếm 9,1% và so cùng kỳ giảm 34,8%.
Tổng sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện hơn 13 triệu tấn
Quý I năm nay, tổng sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện hơn 13 triệu tấn. Dự báo mùa khô năm nay kéo dài đến hết tháng 7, nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng cao, ước khoảng 28 triệu tấn. Do vậy, để đảm bảo đủ nguồn cung nhiên liệu này trong giai đoạn tới nhiều giải pháp đã được triển khai.
Năm 2024, dự báo nhu cầu sử dụng điện ước khoảng hơn 300 tỷ kWh điện, trong đó tỷ lệ huy động từ nhiệt điện than chiếm gần 50%. Do vậy, việc đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện là yêu cầu trách nhiệm được đặt ra.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đủ đơn hàng sản xuất đến tháng 9/2024
Nhờ sức mua tăng cao, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đơn hàng nên đến nay nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 8 và tháng 9/2024.
Giới chuyên gia nhận định, ngành dệt may Việt Nam sở dĩ có sự khởi sắc do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên. Các kho hàng tồn dư của những nhãn hàng đã giảm đi, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, phần lớn thị trường xuất khẩu hiện nay đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng từ nguồn lao động cho đến tác động môi trường. Những đòi hỏi khắt khe từ nguồn gốc nguyên phụ liệu, đáp ứng chứng chỉ xanh đối với nhà máy, sản phẩm có sử dụng dụng sợi tái chế để đảm bảo chuẩn về kinh tế tuần hoàn… cũng là thách thức cho doanh nghiệp.