Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tính cách Đức chi phối mạnh đến văn hóa tiêu dùng

Luật sư Yến Hải - (Bang Nordrhein Westfalen, Đức)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước hết, cả thế giới phải công nhận Đức là một quốc gia giàu mạnh nhưng người Đức lại rất tiết kiệm và thực tế. Người Đức luôn tự hào dân tộc, nên văn hóa tiêu dùng họ chú trọng đến dùng hàng hóa do Đức sản xuất, dù chính phủ không cần tuyên truyền nhiều. Chính điều này đã giúp cho công nghiệp xe hơi Đức, thiết bị y tế, hàng tiêu dùng Đức nổi tiếng trong phạm vi toàn cầu.

Người tiêu dùng tại một siêu thị ở Đức.

Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, người Đức vẫn quyết định ưu tiên dùng trang thiết bị y tế do mình sản xuất. Có thể trên vô tuyến, bạn sẽ thấy hầu như tất cả người Đức ra đường đều dùng khẩu trang của Đức. Phải đến khi trong nước không sản xuất kịp, người Đức mới nhập khẩu khẩu trang. Điều này khác hẳn với Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, miễn có lợi là người ta kinh doanh.

Các công ty của Đức rất thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng, văn hóa tiêu dùng của người Đức và tất nhiên họ đều phải hiểu rằng, phải làm gì để giữ được một thị trường tiềm năng 83 triệu dân này, không vì thế mà mất đi chữ “tín”. Đơn giản, nếu hàng hóa không bảo đảm chất lượng, ngoảnh mặt lại với một thị trường rộng lớn thì tự họ hiểu điều gì sẽ xảy ra. Chắc chắn sẽ là “cơn thịnh nộ” của số đông người tiêu dùng vô phương cứu chữa, mọi việc rất sòng phẳng. Chưa kể, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Đức sẽ ra tay bảo vệ bạn, nếu như các công ty nhập khẩu hay sản xuất hàng chất lượng kém.

Điều tiếp nữa, người Đức không a dua chạy theo phong trào mua sắm, dường như bạn không bao giờ bỏ tiền ra mua những thứ không cần thiết để tích trữ, cất kho hay cả nể. Người Đức tiêu dùng theo xu hướng chọn sản phẩm, dịch vụ mình thích, mình cần chứ không phải cái người khách thích, rất rõ ràng. Nên việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các công ty của Đức phải làm rất bài bản, không thể quảng cáo, đẩy trend như các quốc gia khác.

Là một quốc gia đa sắc tộc nên người Đức rất tôn trọng sự khác biệt của người khác, khác với Việt Nam là cứ thích người khác làm và nghĩ giống mình. Bạn hãy quan sát trên phim ảnh hay trực tiếp có mặt bất cứ nhà hàng nào sẽ thấy, nếu đi ăn Buffet người Đức thường lấy vào đĩa rất ít, ăn hết đi lấy tiếp. Ban đầu nhiều người sẽ thắc mắc, phải chăng do thói quen từ những ngày kham khổ? Bạn nhầm, đó là thói quen tiết kiệm của người Đức.

Tôi sống ở Đức hơn 3 thập kỷ, phải thừa nhận người tiêu dùng Đức rất có ý thức góp phần bảo vệ môi trường. Họ dùng nước, điện rất tiết kiệm. Trong các siêu thị thường có những thùng đựng rác riêng thu lượm pin cũ đã sử dụng. Người ta lo ngại nếu dùng xong mà không vứt pin vào thùng rác bình thường sẽ độc hại.

Người Đức đang có xu hướng hạn chế xe ô tô chạy dầu Diesel đi vào những trung tâm thành phố lớn để bảo vệ môi trường, thậm chí thành phố Hamburg thì cấm hẳn. Xu thế tiêu dùng của Đức đang dần dần sản xuất nhiều xe hơi chạy điện, họ đi trước thế giới đấy chứ. Chính xu thế tiêu dùng đã ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu KHCN, thúc đẩy cho ngành công nghiệp xe hơi của Đức, vốn đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng hơn. Rõ ràng, các tập đoàn kinh tế Đức đang làm tốt công tác nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, xem văn hóa tiêu dùng là yếu tố quan trọng để định hướng chiến lược phát triển sản phẩm.