Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tinh gọn bộ máy: Phải quyết liệt, thực chất hơn

Quốc Toản
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (4/10), Hội nghị T.Ư 6 chính thức khai mạc, trong đó nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo và thông qua là Đề án xây dựng tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu quả.

Dư luận đang chờ đợi sự quyết liệt của Đảng, khi tiền lương cho bộ máy “ngốn” ngày càng nhiều, không còn nguồn để chi cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, nhiều cơ quan, đầu mối, nhưng khi vụ việc xảy ra không ai chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc trong người dân.
Vẫn còn “đủng đỉnh”
Thực tế là sau khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song so với yêu cầu vẫn chưa đạt. Kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” của Quốc hội cho thấy, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước từ T.Ư đến cấp huyện giai đoạn 2011 - 2016 có xu hướng giảm, đặc biệt là trong giai đoạn 2014 - 2016 với số lượng giảm trung bình mỗi năm khoảng hơn 4.000 biên chế. Năm 2014, cả nước có hơn 281.700 biên chế, thì sang đến năm 2017 chỉ còn hơn 269.000 biên chế. Tuy vậy, vẫn có 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc.

Cán bộ làm việc tại Văn phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Dù đã “tích cực” sắp xếp, điều chỉnh, song trong 5 năm (2011 - 2016), số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ vẫn tăng. Nếu như năm 2011 có 482 đơn vị, thì năm 2016 có 510 đơn vị (tăng 28 đơn vị). Số đơn vị hành chính thuộc tổng cục cũng tăng 822 đơn vị (từ 3.045 đơn vị năm 2011 lên 3.867 đơn vị năm 2016). Chưa kể, trong 5 năm có 29 cục được thành lập, tăng thêm 180 phòng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng biên chế.
Báo cáo giám sát của Quốc hội chỉ rõ, biên chế công chức được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm (từ năm 2014, trung bình mỗi năm giảm hơn 4.000 biên chế), nhưng vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương sử dụng quá số định biên được giao. Cụ thể, có 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục (Bộ Tài chính dư 6.318 biên chế; Bộ Nội vụ dư 492 biên chế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dư 604 biên chế). Ở địa phương, mới có 52/63 tỉnh, TP sử dụng đúng hoặc ít hơn biên chế được giao. Điều đó cho thấy, dù T.Ư đang rất quyết tâm, sốt ruột, nhưng vẫn còn nhiều nơi khá “đủng đỉnh” hoặc né tránh nhiệm vụ quan trọng này.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tinh giản bộ máy đã rất cấp thiết, bởi hiện nay quá cồng kềnh, tiêu tốn lớn nguồn lực của Nhà nước. Tình trạng “lạm phát” cấp phó vẫn diễn ra phổ biến, chỗ nào cũng thấy quan trọng, chỗ nào cũng thấy cần người cả. “Hằng năm, chúng ta cử nhiều đoàn học tập kinh nghiệm nước ngoài, nhưng tinh hoa của họ thu về rất ít. Như nhiều nước tiên tiến, số bộ, ngành không nhiều như nước ta. Hay dưới Bộ trưởng chỉ có một Thứ trưởng mà thôi, trong khi ta có đến mấy người” - bà An chia sẻ và bày tỏ mong muốn Hội nghị T.Ư 6 (Khóa XII) sẽ có những quyết sách mạnh mẽ về tinh gọn bộ máy, bớt chồng chéo, cồng kềnh chống lãng phí.
Giảm biên chế, tăng tự chủ
Là một trong những cơ quan có khá nhiều “điều tiếng” thời gian qua, Bộ Công Thương đang quyết tâm chỉnh đốn, cơ cấu lại tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, từ 35 đơn vị giảm xuống còn 30 đơn vị. Bớt cồng kềnh, bớt các bước trung gian, chắc chắn công việc sẽ “trôi” hơn. Đó cũng là cách TP Hà Nội đã và đang làm theo tinh thần Nghị quyết 39.
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Phan Chu Đức, năm 2016, TP đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Qua rà soát, sắp xếp đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban, 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 Ban Quản lý dự án, 2 Quỹ, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban Quản lý dự án và Quỹ. Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đều hoạt động hiệu quả; chất lượng, khối lượng công việc được cải thiện; phát huy được trình độ, ý thức trách nhiệm của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tại các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Với “đà” đó, từ đầu năm 2017, TP tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy: Khối Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Đến nay, các cấp ủy trực thuộc tiếp tục thu gọn đầu mối các tổ chức Đảng, đã giảm 87 tổ chức Đảng; chỉ đạo thực hiện chủ trương chấm dứt tổ chức hoạt động của Hội Nông dân cấp quận, phường tại 7 quận. Khối các cơ quan chính quyền: Thành lập, sáp nhập, tổ chức lại 25 đơn vị trực thuộc sở và cơ quan ngang sở; chấp thuận thành lập 2 đơn vị...
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thời gian tới, TP sẽ tập trung vào các đơn vị sự nghiệp công lập của y tế, giáo dục và văn hóa theo hướng chuyển dần sang tự chủ hoặc cổ phần hóa. Đối với ngành y tế, bên cạnh một số đơn vị đã chuyển đổi, hiện đã có thêm 5 đơn vị xung phong làm. “Tự chủ tốt không chỉ giúp hoạt động hiệu quả, bớt gánh nặng ngân sách mà còn tạo điều kiện cho người lao động thu nhập tốt hơn. Như Viện Tim Hà Nội hiện đang tự chủ 100%, năm 2016 thu trên 900 tỷ đồng với cơ sở vật chất hiện đại. Cán bộ, bác sĩ thu nhập nằm trong top cao nhất của các bệnh viện công lập” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nêu ví dụ.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng:
Hướng đi đúng, nhưng cần làm thận trọng
Việc tinh gọn lại bộ máy là hướng đi rất đúng, nhưng thực hiện thế nào cho hiệu quả phải cân nhắc thận trọng, trên cơ sở tổng kết từ thực tiễn một cách khoa học, khách quan. Cần tránh tình trạng cứ tách ra rồi lại nhập vào gây tâm trạng không ổn định cho cán bộ, ảnh hưởng đến công việc chung.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga:
Tinh giản phải gắn với chất lượng
Kết quả tinh giản rất hạn chế vì chưa gắn với việc đánh giá thực chất chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức. Có những ngành, lĩnh vực để xảy ra rất nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, hiệu quả quản lý thấp nhưng đánh giá, phân loại cán bộ cuối năm đều hơn 90%, thậm chí đến 99% cán bộ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Như vậy đã dẫn đến việc cào bằng, không có động lực cho cán bộ, công chức làm việc.

PGS.TS Bùi Thị An:
Nên sáp nhập một số cơ quan tương đồng chức năng
Việc sáp nhập một số cơ quan tương đồng đáng lẽ phải làm từ lâu, đơn cử như thanh tra với kiểm tra, sẽ giúp nâng cao hiệu quả bộ máy, tránh chồng chéo. Hay việc nhất thể hóa một số chức danh cũng vậy, vừa đỡ tốn một phòng làm việc, quan trọng hơn là giúp công việc đỡ lòng vòng. Tuy nhiên, muốn làm được việc này phải lựa chọn những người đứng đầu có tầm, có tâm cũng như phải có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả để kiểm soát quyền lực cho hiệu quả.