Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2012: Nhiều điểm sáng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 29/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012.

Các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2012 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội được phát huy và đạt kết quả.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2012: Nhiều điểm sáng - Ảnh 1

Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Sumi - Hanel. Ảnh: Việt Hùng

Giảm đi nhiều nỗi lo hàng tồn kho

Với mức tăng 0,47%,  tháng 11 tiếp tục là tháng có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp so với tháng trước. Đây là kết quả của việc thực hiện kịp thời các biện pháp ổn định giá cả thị trường, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao, có xuất siêu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cán cân tổng thể, tăng dự trữ ngoại tệ. Tính chung 11 tháng năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 103,98 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. 11 tháng qua đã cân bằng xuất nhập khẩu.

Trước những bức xúc của người dân về chất lượng cũng như tác động của các công trình thủy điện (cụ thể là thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, Sông Tranh), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh 5 quan điểm của Chính phủ là: Tất cả các công trình thủy điện trước hết phải bảo đảm an toàn; Thực hiện tốt công tác tái định cư; Không làm ảnh hưởng xấu tới môi trường; Phải đảm bảo tính hiệu quả; Từ lập dự án, vận hành, khai thác phải đúng quy trình, quy định của pháp luật. Riêng với Thủy điện Sông Tranh, cùng với việc chia sẻ với những nỗi lo của người dân nơi đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa cho phép tích nước và yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ định thầu một tổ chức quốc tế có uy tín, năng lực thực hiện khảo sát, có đánh giá cụ thể, toàn diện, khách quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế tháng 11 là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ số tồn kho tiếp tục ghi nhận ở mức giảm tích cực. Tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngay sau phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chỉ số hàng tồn kho năm nay đã về gần với mức trung bình của các năm (từ 100 - 120%) chủ yếu là hàng chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm và hàng gối đầu phục vụ cho sản xuất năm sau. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn còn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao trở lại; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chậm được xử lý và có nguy cơ tăng; việc triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng yếu kém còn chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giảm quy mô, giải thể vẫn còn lớn, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động; đời sống của một bộ phận dân cư. 

Nói rõ hơn về thực trạng nợ xấu, tại buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, nợ đọng trong xây dựng cơ bản được nhìn nhận là nguyên nhân không nhỏ làm tăng nợ xấu. Con số này đã lên tới trên 90.000 tỷ. Riêng với nợ xấu trên thị trường bất động sản, biện pháp tháo gỡ hiện nay được đề cập đến tại phiên họp lần này đó là trước mắt phải thực hiện các giải pháp tăng cầu cho thị trường bất động sản theo hướng hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở; cơ cấu lại sản phẩn cho phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người dân, người có thu nhập thấp; xem xét thành lập các định chế tài chính phù hợp nhằm tạo nguồn vốn cho thị trường bất động sản cả về trung và dài hạn.

Thực hiện mục tiêu kiềm chế  lạm phát cho cả năm 2013

Phần lớn các thành viên Chính phủ nhận định, thời gian tới, tốc độ tăng CPI có thể sẽ cao lên do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, nhất là nhu cầu về lương thực, thực phẩm, song phải giữ cho được CPI cả năm 2012 theo mục tiêu đã đề ra (vào khoảng 8%), vì việc thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012 không chỉ cho năm nay mà còn cho cả năm 2013 và các năm tiếp theo. Nhấn mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp là một lợi thế rất lớn của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị cần tính toán một cách căn cơ hơn nữa kế hoạch phát triển nông nghiệp cho năm 2013, trong đó có tính toán về quy hoạch thủy lợi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản,…

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất theo chiều hướng giảm dần của lạm phát; thực hiện quyết liệt chỉ thị về tiết kiệm, đặc biệt trong những tháng cuối năm…

Việc ban hành Nghị định 71/CP không phải là một chủ trương mới, việc xử lý vi phạm đối với các hành vi nêu trong Nghị định là cần thiết. Tuy nhiên, đã có những lúng túng trong thực thi khi mà những quy định về xử phạt hành vi không chuyển đổi chủ phương tiên lại được phổ biến thành việc truy cứu người điều khiển có phải là chủ phương tiên hay không. Tại phiên họp, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo thông tu hướng dẫn Nghị định 71 cho đúng; Bộ Tài chính xem xét đánh giá lại để kiến nghị một mức phí phù hợp đồng thời xem xét lại quy trình sang tên đổi chủ nhằm tạo thuận lợi cho người dân.