Cụ thể, ngày 6/2/2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 135 trình Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết vướng mắc khi thực hiện các thủ tục thu hút đầu tư dự án liên quan tới hồ Đầm Bài, dự án Nhà máy nước sạch sông Đà tại huyện Kỳ Sơn (nay là thành phố Hòa Bình).
Hồ Đầm Bài được Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà "mượn" để sản xuất, kinh doanh nước sạch |
Văn bản số 135 nêu: dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn tây – Hòa lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do chủ đầu tư là Tổng công ty Vinaconex, thực hiện theo hình thức đầu tư BOO do Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình số 53; được Thủ tướng cho phép tại văn bản 1285 ngày 24/9/2003.Dự án có mục tiêu khai thác nước mặt sông Đà, cấp nước sạch cho Thủ đô Hà Nội, cụ thể: khu vực vệ tinh phía Tây thành phố (các đô thị Sơn Tây, Láng Hòa Lạc, Xuân Mai), các đô thị sinh thái (gồm các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn), dọc theo trục Láng – Hòa Lạc, đô thị phía Tây Nam (từ vành đai 3 đến vành đai 4 và khu vực nông thôn liền kề).Tại địa bàn tỉnh Hòa Bình, các hạng mục công trình đầu mối của Nhà máy nước sạch Hòa Bình gồm hệ thống họng thu, kênh, mương dẫn nước thô, hồ chứa Đầm Bài, kênh dẫn nước từ hồ Đầm Bài đến trạm bơm xử lý, các trạm bơm, các bể xử lý, bể chứa nước sạch được xây dựng tại xã Phú Minh, Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn); một phần đường ống nước sạch từ công trình đầu mối đi tiếp qua xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn.Ngày 9/10/2019, sau sự cố đổ trộm dầu thải, gây mất an ninh nguồn nước sông Đà, UBND tỉnh Hòa Bình đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện tại, Nhà máy nước sạch sông Đà đang dùng tuyến kênh hở được nâng cấp từ mương dẫn nước hiện trạng dẫn nước thô từ sông Đà về hồ Đầm Bài. Kênh có chiều rộng đáy khoảng 6m, chiều dài 3,52km, hai bên chủ yếu là đất canh tác của bà con, chưa có giải pháp giải phóng mặt bằng để bảo vệ hành lang an toàn theo quy định (khoảng cách tối thiểu hai bên là 200m). Nước thô theo kênh được bơm lên hồ Đầm Bài.Hồ Đầm bài với diện tích mặt nước 69ha, diện tích lưu vực khoảng 16km2, có nhiều khe suối, khe tụ dẫn về hồ; có nhiều dân cư sinh sống trong lưu vực có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao, không có hành lang bảo vệ.Từ hồ Đầm Bài, tiếp tục có một đoạn mương hở khoảng 450m chiều dài dẫn đến trạm bơm lên khu xử lý, hai bên đoạn mương hở dẫn từ hồ Đầm Bài về là lưu vực có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao, không có hành lang bảo vệ.UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định, hiện tại, toàn bộ lượng nước thải của Nhà máy nước sạch sông Đà được xả trực tiếp vào hồ Đầm Bài, là yếu tố tăng thêm ô nhiễm cho nguồn nước sạch sông Đà.Tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng, để đảm bảo an ninh nguồn nước của Nhà máy nước sạch sông Đà, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm 2 bên lưu vực kênh dẫn, lưu vực hồ Đầm Bài, hai bên lưu vực từ hồ Đầm Bài về trạm bơm nước thô lên khu xử lý, yêu cầu Nước sạch sông Đà phải đầu tư tuyến ống kín dẫn nước thô và trạm bơm nước thô từ sông Đà lên bể sơ lắng đặt trong khu xử lý (có hành lang bảo vệ) và dẫn vào trạm xử lý, không sử dụng hồ Đầm Bài làm hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô và đồng thời cũng là nơi tiếp nhận nước thải sau xử lý của Nhà máy.Trước đó, từ năm 2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có nhiều văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan về việc yêu cầu Nhà máy nước sạch sông Đà bàn giao lại hồ Đầm Bài cho địa phương do liên quan đến công năng hồ Đầm Bài là hồ thủy lợi, ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư các dự án xung quanh hồ.Nước sạch sông Đà xin xây tường bao kênh dẫnNgày 24/8/2020, Công ty cổ phần đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) có văn bản gửi Thường trực tỉnh ủy; UBND tỉnh Hòa Bình về phương án lấy nước mặt sông Đà phục vụ sản xuất.Viwasupco đề xuất xin giữ toàn bộ hệ thống kênh dẫn như đang vận hành, thực hiện phương án xây tường bao kết hợp lắp camera an ninh và tuần tra bảo vệ dọc hệ thống kênh dẫn. Về phương án thi công tuyến ống kín dẫn nước thô nước mặt sông Đà có chiều dài 2,57km đi qua hồ Đầm Bài (không sử dụng nước hồ Đầm Bài), Viwasupco đề xuất tiến độ sẽ xây dựng, hoàn thiện đưa vào sử dụng trong năm 2021.Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định với diện tích hồ Đầm Bài quá rộng, lưu vực lớn (16km2), nhiều điểm tiếp nhận nguồn nước từ các kênh, suối trong khu vực…, nếu tiếp tục để Nhà máy nước sạch sông Đà sử dụng làm hồ lắng, hồ chứa nước thô sẽ không đủ lực lượng để canh giữ các sự cố có thể xảy ra.Sự cố dầu thải bị đổ ở đầu nguồn, sau đó bị nước mưa dẫn ra các kênh mương từ đó hòa vào nước hồ Đầm Bài gây ra ô nhiễm nước sạch sông Đà là một ví dụ. Thứ hai, hồ Đầm Bài là hồ thủy lợi, vẫn có công năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của các xã xung quanh nên không được phép chiếm dụng để làm hồ chứa, hồ lắng cho sản xuất nước sạch. Nếu hồ Đầm Bài vẫn được sử dụng làm hồ trữ, hồ lắng cần phải có một vùng đệm để bảo đảm an ninh nguồn nước cho hồ Đầm Bài.Được biết, khi tỉnh Hòa Bình có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng để hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án đầu tư trong khu vực, Bộ Xây dựng đều yêu cầu phải rà soát khu vực bảo vệ nguồn nước Đầm Bài của nhà máy nước sạch sông Đà; tại phạm vi hồ, cấm mọi hoạt động xây dựng, đầu tư dự án, không thỏa thuận quy hoạch phân khu khu vực.